Quyết định mở ngành đào tạo Trí tuệ nhân tạo – AI trình độ đại học chính quy vừa được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ KH&CN, công bố.
Ngành Trí tuệ nhân tạo dự kiến sẽ tuyển sinh 150 chỉ tiêu trong năm 2025 với 5 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển tài năng; xét tuyển kết hợp; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét tuyển theo kết quả thi THPT.
Thông tin với phóng viên VietNamNet về lý do mở ngành AI, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cường, Trưởng khoa Trí tuệ nhân tạo của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, AI đã và đang trở thành một trong những công nghệ cốt lõi, tạo ra những thay đổi đột phá trong mọi lĩnh vực từ y tế, giáo dục, kinh tế đến công nghiệp và giải trí. Thế giới đang chứng kiến một cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trong đó AI đóng vai trò như một "chìa khóa vàng" mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển của nhân loại.
Là 1 trong 5 trường trọng điểm quốc gia về kỹ thuật và công nghệ, Học viện định hướng sẽ liên tục mở nhiều ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao. Ngành AI trình độ đại học vừa được Học viện quyết định mở là để đáp ứng nhu cầu về nhân lực AI ngày càng cao của thị trường lao động, góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ tại Việt Nam.
“Với việc mở ngành đào tạo AI trong năm 2025, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng mong muốn sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng trí thức mạnh mẽ về AI tại Việt Nam thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của ngành CNTT và viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cường chia sẻ.
Theo đại diện PTIT, dựa trên các chương trình đào tạo tiên tiến từ các trường đại học lớn, uy tín trên thế giới, chương trình đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo của Học viện được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế với 2 mảng chính là học máy và trí tuệ nhân tạo ứng dụng.
Chương trình đào tạo ngành mới này nhằm trang bị cho các sinh viên những kiến thức vừa có tính chuyên sâu, hiện đại như GenAI, mô hình ngôn ngữ lớn, các nền tảng phát triển ứng dụng AI..., vừa mang tính thực tiễn cao để đáp ứng được nhu cầu nhân lực chuyên gia AI chất lượng cao hiện nay.
Ngoài 1 học kỳ thực tập tại doanh nghiệp hàng đầu về AI, sinh viên học ngành Trí tuệ nhân tạo của Học viện còn được dẫn dắt bởi các chuyên gia thỉnh giảng giàu kinh nghiệm đến từ các trường đại học lớn trên thế giới cùng các doanh nghiệp công nghệ lớn như Meta, Google, NVIDIA, Qualcomm, Intel, Microsoft, Amazon, VinAI, FPT...
Chương trình đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo của Học viện được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế với 2 mảng chính là học máy và trí tuệ nhân tạo ứng dụng. Ảnh minh họa: H.Y
Hiện nay, Học viện có đội ngũ giảng viên về AI được đào tạo bài bản từ các nước phát triển và có uy tín cao trong nghiên cứu khoa học và đào tạo ngành này. Nhiều thầy, cô đã có các công trình nghiên cứu công bố tại các hội nghị và tạp chí uy tín hàng đầu thế giới, đã và đang hướng dẫn nhiều sinh viên đang học tập tại các trường đại học top trên thế giới như Stanford University, Johns Hopkins University, University of Edinburgh, Monash University...
Trước đó, với mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao về AI, vào tháng 8/2024, PTIT đã thành lập khoa Trí tuệ nhân tạo, trở thành trường đại học đầu tiên trong cả nước có khoa chuyên ngành này.
Hiện nay, không chỉ nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực AI, Học viện cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới này phục vụ giảng viên và sinh viên. PTIT đã triển khai các công cụ AI như hỗ trợ giảng viên trong đánh giá, theo dõi tiến trình học tập của sinh viên qua ứng dụng S-Link; trợ lý ảo PTIT Ami giải đáp cthắc mắc của sinh viên về mọi mặt; cổng thông tin việc làm ứng dụng AI đưa ra các gợi ý về nhóm ngành nghề, lĩnh vực, mức lương phù hợp năng lực sinh viên tốt nghiệp….
Song song đó, PTIT cũng đặt mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI. Các nhóm nghiên cứu tại PTIT sẽ tập trung vào việc phát triển các ứng dụng AI trong các lĩnh vực như viễn thông, bảo mật mạng, dữ liệu lớn và học máy; đồng thời kết nối với các tổ chức nghiên cứu quốc tế để cập nhật các xu hướng và tiến bộ mới nhất trong ngành.
Theo Vietnamnet