“Bố già” AI thế giới và Chủ tịch FPT bàn về đạo đức AI
Cuộc đối thoại về cách kiểm soát “bản năng sinh tồn” của AI, cộng hưởng sức mạnh của con người và AI giữa ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT và ông tổ AI thế giới, Yoshua Bengio sẽ diễn ra vào chiều ngày 5/12 tại Hà Nội. 

Cuộc đối thoại được giới công nghệ chờ đợi này sẽ được livestream trên Fanpage và LinkedIn. Link livestream xem TẠI ĐÂY

Theo thông tin từ FPT, cuộc đối thoại sẽ xoay quanh chủ đề tương lai bứt phá của sự hợp tác giữa con người và AI cũng như những nguy cơ tiềm ẩn, cách kiểm soát “bản năng sinh tồn” của AI.

Với khả năng học hỏi và xử lý dữ liệu tính bằng giây, AI đang mang đến những “điều kỳ diệu”, thậm chí ngoài sức tưởng tượng của con người. Chỉ với những mô tả gợi ý, AI có thể tạo ra một bức tranh như thật, hay viết một bản nhạc, làm một bài thơ trong vài giây. Thậm chí AI còn có thể phát minh ra loại thuốc kháng khuẩn mới có hiệu quả gấp 10 lần trong việc chữa bệnh nhiễm trùng, với nồng độ thuốc thấp hơn 90% và độc tính và tác dụng phụ ít hơn 95% so với loại thuộc kháng khuẩn hiện có.

Tuy nhiên, khi phần “con - bản năng sinh tồn” trỗi dậy, AI cũng có thể khiến nhân loại đi theo chiều hướng tiêu cực, một cách nhanh chóng và ở quy mô lớn. Ví dụ như nếu không phải vì mục đích sáng tạo, những bức ảnh giả mạo có thể bị lợi dụng để thay đổi sự thật, lừa đảo, và nguy hiểm hơn là thao túng con người vì mục đích chính trị hoặc kinh tế.

Là một trong những nhà nghiên cứu quan tâm đến tác động xã hội và mục tiêu AI mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, Giáo sư Yoshua Bengio cho rằng điều quan trọng nhất là việc phát triển công nghệ cần phải đi đôi với việc bảo vệ quyền lợi của con người và sự phát triển bền vững của xã hội. Do đó, theo nhà sáng lập Viện nghiên cứu Mila, cần sử dụng AI có trách nhiệm và an toàn. “Đạo đức, trách nhiệm xã hội giúp AI có thể "hòa nhập" cuộc sống, nhưng để thúc đẩy AI tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn cần phải có hàng rào pháp lý trong ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống”, Giáo sư Yoshua Bengio cho biết. Tuy nhiên, theo giáo sư Yoshua Bengio trước khi luật pháp có thể tạo ra thay đổi, thì giáo dục là công cụ nhanh và bền vững nhất để con người đồng hành của AI. Giúp các thế hệ kế cận tiếp thu được nhiều nhất kiến thức khoa học ứng dụng, thì các nhà khoa học, giáo dục có thể tạo ra những kiến thức cơ bản, chia từng lớp để áp dụng vào giảng dạy ngay từ các độ tuổi nhỏ.

Nhà sáng lập Viện nghiên cứu AI Mila - Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới với cộng đồng 1.300 nhà nghiên cứu và 140 đối tác trên toàn cầu, cũng cho rằng, nên tránh thiết kế "bản năng sinh tồn" cho các hệ thống AI. Điều đó có nghĩa là không nên thiết kế các hệ thống AI giống con người, có cảm xúc, ngoại hình và thậm chí cả ý thức, quyền tự quyết, tự chủ vì trí thông minh của chúng có thể nhanh chóng vượt qua con người và có thể trở thành những AI lừa đảo, thúc đẩy những lợi ích, mục tiêu không hoàn toàn vì hạnh phúc của nhân loại.

Được xem là "ông tổ" trong lĩnh vực học sâu và mạng nơ ron nhân tạo, những thuật toán "mở đường" cho các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và chatGPT, Giáo sư Yoshua Bengio là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn cầu trong việc tạo ra nền móng để AI trở thành một công nghệ thực tế, được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), thị giác máy tính, học máy và robot học. Bên cạnh giải thưởng Turing danh giá được ví như giải Nobel trong lĩnh vực máy tính, Bengio còn là nhà khoa học máy tính được trích dẫn nhiều thứ hai trên thế giới theo Guide2Research năm 2021.

Đây là lần thứ 2, Chủ tịch Tập đoàn FPT đối thoại cùng ông tổ AI thế giới. Cách đây hơn 3 năm, họ đã có cuộc trò chuyện trực tuyến đặc biệt, giữa hai bán cầu, giữa ngày và đêm về “giấc mơ” đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực. Tại cuộc trò chuyện này, một trong những điều quan trọng để hiện thực hóa giấc mơ này của Việt Nam, theo giáo sư Yoshua Bengio chính là  Việt Nam phải tự tạo nên một dòng chảy những kỹ sư, nhà khởi nghiệp về lĩnh vực AI có kỹ năng vững vàng để dẫn dắt cuộc cách mạng AI cho Việt Nam. “Việt Nam với nguồn lực dồi dào và yêu toán học, môn học nền tảng cho nghiên cứu AI, tôi tin việc tạo ra dòng chảy trên hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu có đủ sự đầu tư và nỗ lực trong giáo dục. Giáo dục ở mọi cấp độ nhưng ở trong lĩnh vực này chúng ta sẽ thường tập trung vào cấp giáo dục cao hơn, ví dụ sau đại học’, giáo sư Yoshua Bengio nhấn mạnh.

Hiện, FPT đã “khơi thông” và tạo ra dòng chảy mạnh mẽ về nguồn lực AI. Bên cạnh việc hợp tác với Mila để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng về AI, FPT đã hợp tác với Landing AI để đào tạo các chuyên gia cũng như đưa chương trình đào tạo AI vào đào tạo cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Hiện FPT đã quy tụ 1.500 nhân sự làm trong lĩnh vực AI, trong đó có 500 chuyên gia, 50 Tiến sĩ/Thạc sĩ AI và đào tạo khoảng 1.300 sinh viên chuyên ngành AI. 

Theo FPT
Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT