FPT Kết Nối Hợp Tác Với Doanh Nghiệp Nhật Bản Để Phát Triển Ngành Vi Mạch Bán Dẫn
Trong đó, FPT có hai thỏa thuận hợp tác với hai doanh nghiệp Nhật Bản là Yamato Holdings - Doanh nghiệp về lĩnh vực lưu thông hàng hóa lớn của Nhật Bản và TradeWaltz – Doanh nghiệp sở hữu nền tảng tương tác thông tin thương mại hàng đầu Nhật Bản.
Theo đó, với Yamato Holdings, dựa trên những công nghệ mới nhất như AI, Cloud, Big Data, Automation, IoT …, FPT sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp logistic hàng đầu Nhật Bản này thúc đẩy chuyển đổi số các khách hàng trong hệ sinh thái của Yamato Holdings đảm bảo phát triển linh hoạt trong mọi tình huống. Song song đó, dựa trên kinh nghiệm hơn 100 năm của Yamato Holdings trong lĩnh vực logistic, hai bên sẽ đồng hành nghiên cứu triển khai các giải pháp góp phần cải thiện hệ thống giao vận hàng hóa tại Việt Nam.
Còn với TradeWaltz, hai bên sẽ tích hợp TradeFlat - Hệ sinh thái tài chính số do FPT phát triển với TradeWaltz - nền tảng tương tác thông tin thương mại hàng đầu tại Nhật Bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện quy trình thương mại cho các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, hai bên sẽ cùng nghiên cứu kết nối hai nền tảng dựa trên: liên kết API - kết nối các khu vực thương mại và dịch vụ liên quan để xử lý luồng giao dịch thương mại và tài trợ thương mại xuyên biên giới; nghiên cứu và hoạch định chiến lược cho thị trường Việt Nam; hợp tác liên minh với các nền tảng thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một giải pháp công nghệ Make in Vietnam được tích hợp với một nền tảng quốc tế trong hoạt động thương mại Việt Nam - Nhật Bản.
Đại diện FPT và TradeWaltz trao thỏa thuận hợp tác trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2023, FPT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức buổi gặp gỡ và làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện 10 tập đoàn công nghệ vi mạch, chip bán dẫn hàng đầu của Nhật Bản về hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn và hệ sinh thái đi cùng, với mong muốn phát triển đột phá ngành bán dẫn của Việt Nam.
Tại cuộc làm việc, các tập đoàn như SBI Holdings, Renesas Electronics Corporation, Denso, Rapidus Corporation, Tokyo Electron Limited …đã trình bày về phương hướng, các đề xuất hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn và hệ sinh thái tại Việt Nam.
Sau khi nghe các doanh nghiệp Nhật Bản phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam mong muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đột phá, mạnh mẽ hơn, có vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam sẽ tiếp tục có các chính sách ưu tiên phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực này về thuế, đất đai… Thủ tướng cũng đề nghị phía Nhật Bản, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn tăng cường hợp tác, đầu tư, phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn ở cả 3 công đoạn là thiết kế, xây dựng nhà máy sản xuất chip và đóng gói, kiểm thử. Từ đó, góp phần thúc đẩy, cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới vừa được Việt Nam và Nhật Bản thiết lập.
Tham dự buổi làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cũng cho biết, trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản vừa được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện và ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang có sự thay đổi quyết liệt về hướng đào tạo, nguồn cung ứng, trí tuệ nhân tạo, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực này là vô cùng quan trọng.
Lĩnh vực chip bán dẫn, AI được FPT xem là những hướng đi trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, FPT tập trung đẩy mạnh lĩnh vực này theo các hướng: đầu tư, nghiên cứu, phát triển nền tảng, giải pháp; hợp tác với các tổ chức, Tập đoàn hàng đầu thế giới; đào tạo nhân lực... Hiện trong lĩnh vực AI, FPT đã và đang đầu tư mạnh mẽ ở các góc độ: con người, cơ sở hạ tầng, dữ liệu và nghiên cứu. FPT đã gia nhập liên minh AI thế giới do IBM và Meta khởi xướng, thiết lập các chiến lược nghiên cứu với Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới – Mila, trở thành nhà đầu tư vào Landing AI… FPT cũng đã có những sản phẩm trí tuệ nhân tạo có hàng triệu người dùng trên quy mô toàn cầu, sở hữu nền tảng AI Top 1 toàn cầu năm 2023 và có nhiều bằng sáng chế liên quan đến AI tại Mỹ, Nhật Bản.
Trong lĩnh vực bán dẫn, đến nay, sản phẩm chip nguồn của FPT đã qua giai đoạn nghiên cứu phát triển, đến giai đoạn sản xuất hàng loạt. FPT đã nhận được đơn hàng cung cấp 70 triệu chip trên toàn thế giới cho đến năm 2025. Công ty cũng đang tập trung thúc đẩy đào tạo 10.000 nhân lực thông qua việc hợp tác chiến lược với Silvaco (Mỹ); hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ TreSemi thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam; hợp tác với tổ chức giáo dục Pearson Vương Quốc Anh ký kết chuyển giao chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn về Việt Nam. Đồng thời, Tổ chức Giáo dục FPT cũng đã thành lập Khoa Vi mạch bán dẫn, dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024.
FPT hiện có 2.900 nhân sự đang làm việc trực tiếp tại 16 văn phòng, trung tâm phát triển tại Nhật Bản và đội ngũ gần 15.000 kỹ sư CNTT trên toàn cầu đang triển khai các dự án với các khách hàng Nhật Bản. FPT tại Nhật Bản cũng đang cung cấp dịch vụ công nghệ tiên tiến cho 450 khách hàng danh tiếng trên toàn cầu. FPT đang hướng đến mục tiêu quy mô 4.000 nhân sự và đứng trong Top 20 công ty dịch vụ công nghệ lớn nhất tại Nhật Bản vào năm 2025 và đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ đô la năm 2027.
Theo FPT