Franconomics-2023: Cơ hội và thách thức của quá trình chuyển đổi số
FRANCONOMICS-2023
Công nghệ hiện đại đang góp phần hỗ trợ cho sự phát triển không ngừng của các quốc gia trên thế giới. Việc ứng dụng kỹ thuật số, khoa học máy tính vào quá trình nghiên cứu, quản lý, lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hoá, ngôn ngữ, nhân văn… đã trở nên ngày càng quan trọng hơn trong một xã hội văn minh và tiến bộ. Trong bối cảnh chuyển đổi, khoa học xã hội và nhân văn có nhiều cơ hội phát huy thế mạnh của mình trong việc trang bị cho lực lượng lao động công nghiệp 4.0 những kỹ năng mềm/kỹ năng chuyển đổi giúp tận dụng hiệu quả những thành tựu khoa học kỹ thuật mang lại. Nhân văn số ra đời giúp kết nối các nhà nghiên cứu thông qua việc ứng dụng công nghệ mới vào các ngành khoa học nhân văn, gìn giữ các nền văn hoá và xa hơn nữa là thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại trong tương lai.
Khái niệm về nhân văn số (digital humanities) đã manh nha xuất hiện vào những năm 40 của thế kỷ XX, khi một số nhà nghiên cứu bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng các kỹ thuật tính toán, khoa học máy tính, khoa học tự nhiên vào nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển thì những ứng dụng theo nó cũng có rất nhiều sự thay đổi. Vì vậy, ở mỗi thời kỳ, khái niệm nhân văn số đều được điều chỉnh lại và sử dụng cho phù hợp. Tuy nhiên, một định nghĩa có phần dễ hiểu và được sử dụng rộng rãi là: nhân văn số là lĩnh vực nghiên cứu có sự kết hợp giữa khoa học máy tính và các ngành thuộc khoa học nhân văn. Một số ngành nhân văn tiêu biểu có thể kể đến như: ngôn ngữ học, văn học, tôn giáo, nghệ thuật, nhân học, văn hoá…
Tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, nhân văn số là một lĩnh vực nghiên cứu còn khá mới mẻ. Việc ứng dụng các thành tựu kỹ thuật số và khoa học máy tính vào nghiên cứu các ngành nhân văn đang trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết trong một xã hội văn minh và tiến bộ. Nhân văn số đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lí và gìn giữ tư liệu, bảo tồn giá trị văn hoá lịch sử, di sản, ngôn ngữ, phát huy giá trị các nền văn minh xã hội và xa hơn nữa là khả năng bồi dưỡng tiềm năng con người; thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại trong tương lai.
Nhân văn số có nhiều ưu điểm và lợi ích khi áp dụng, như hỗ trợ quảng bá văn hóa; khả năng lưu trữ, kết nối nhiều nguồn tài nguyên cũng như các nhà khoa học trên không gian số. Dưới tác động của nhân văn số, ảnh hưởng cộng đồng của các ngành nhân văn trở nên mạnh mẽ và rộng lớn hơn thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá. Tuy nhiên, cũng tồn tại một số hạn chế trong lĩnh vực này như sự mất mát dữ liệu trong quá trình chuyển đổi, vấn đề đạo đức trong việc sử dụng dữ liệu, việc duy trì bảo tồn các nguồn lực và dự án, vấn đề thay đổi tư duy nhận thức… Sự phát triển của trí thông minh nhân tạo đặt ra những câu hỏi cần sự giải đáp của các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm đảm bảo tiến bộ khoa học đi cùng tính nhân bản. Để có thể tận dụng tốt nhất những tiến bộ công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, chúng ta cần có sự liên kết chặt chẽ giữa khoa học xã hội và nhân văn với các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ.
Nhằm phát triển không gian trao đổi Pháp ngữ thường niên và thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác đa phương nói chung, cũng như để nhìn nhận sâu hơn những khía cạnh khác của nhân văn số, Diễn đàn quốc tế Franconomics-2023 với chủ đề Nhân văn số: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số được tổ chức vào ngày 17-18/10/2023 tại Hà Nội. Sự kiện do Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI) - ĐHQGHN, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF) - Đại học Jean Moulin Lyon 3 đồng tổ chức, với sự đồng hành của Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Viện Pháp tại Việt Nam (IFV), Tập đoàn Giáo dục Toàn cầu Galileo (GGEF), Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI), Tập đoàn Linagora Việt Nam và Viện Nghiên cứu Châu Phi - Trung Đông (IAMES), Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố Hà Nội – Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Vietnam DX và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.
Ngoài Diễn đàn chính với 03 (ba) không gian thảo luận song song, Franconomics-2023 được tiếp nối bằng Hội thảo quốc tế Chuyển đổi số và vấn đề an ninh con người và tham quan thực địa về quy trình lưu trữ, bảo tồn và số hóa tại Hoàng thành Thăng Long.
MỜI THAM DỰ
Franconomics-2023 được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với Phiên toàn thể về chủ đề "Những vấn đề đặt ra đối với phát triển nhân văn số trong bối cảnh hiện nay", được tiếp nối bằng 3 không gian thảo luận sau:
Không gian thảo luận 01: Chuyển đổi số văn hóa
Địa điểm: Hội trường 203, nhà điều hành D2, ĐHQGHN, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Ngôn ngữ: Tiếng Anh - Tiếng Pháp - Tiếng Việt
Không gian thảo luận 02: Công nghệ số và kinh tế xã hội
Địa điểm: Hội trường Sunwah, ĐHQGHN, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Ngôn ngữ: Tiếng Anh - Tiếng Pháp - Tiếng Việt
Không gian thảo luận 03: Thanh niên trong xã hội số
Địa điểm: Hội trường 104, nhà E5, ĐHQGHN, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Ngôn ngữ: Tiếng Pháp - Tiếng Việt
Với mục đích tạo dựng không gian trao đổi mở và chủ động nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn về quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội cũng như nhìn nhận những thách thức và cơ hội của nhân văn số trong thời đại 4.0, đặc biệt về vấn đề an ninh con người, Ban tổ chức Franconomics-2023 trân trọng kính mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nhân và nhà đầu tư tham gia và chia sẻ góc nhìn, khám phá và kinh nghiệm của mình về các chủ đề trên.
Đăng ký tham dự:
https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSfr-LtlAQJaoluq9PQQKGcTAC7HOortw051XLnPkTEGft6s3w/viewform
Theo Hanoi.gov.vn