Tọa đàm hội nghị "Thực trạng và nhu cầu khởi nghiệp đầu tư ĐMST trong lĩnh vực ICT"
Toạ đàm Đầu tư Startup Công nghệ mới (AI, Blockchain) diễn ra nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thực trạng và nhu cầu đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ICT. Hội nghị có sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia uy tín nhằm hỗ trợ kết nối các Startups với các Quỹ Đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực ICT và nhận được nhiều sự quan tâm của các Startups công nghệ cũng như các khán giả quan tâm đến lĩnh vực này. Để có thể giải đáp thêm các thắc mắc, các khó khăn mà các Startup gặp phải, buổi toạ đàm đầu tư Công nghệ mới (Blockchain, AI) sẽ có những trao đổi, chia sẻ cụ thể hơn từ các khách mời có kinh nghiệm.
Tham dự phiên toạ đàm có các diễn giả, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực ICT:
- Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ VDI - Chủ trì buổi toạ đàm
- Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc NSSC
- Ông Nguyễn Thế Năng, Head of Product, TomoChain/ Head of Operations, LUA Ventures
- Ông Daika Ginza, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc điều hành Hệ sinh thái Uniworld
- Ông Trịnh Minh Giang, CEO VTI Cloud, Chief Consultant VMCG.
Các chuyên gia và diễn giả tham gia thảo luận về các nội dung chính: Đầu tư Công nghệ mới (Blockchain, AI), chia sẻ chính sách, xu hướng trong đầu tư Khởi nghiệp tại Việt Nam, làm thế nào để thu hút đầu tư Startup tại Việt Nam.
Chủ trì buổi toạ đàm Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ VDI cho biết sau bài phát biểu ấn tượng về Techfest của ông Lê Toàn Thắng Phó - Giám đốc NSSC, trong những năm gần đây, Techfest đã hỗ trợ đóng góp không ít thành quả vào việc thúc đẩy kết nối Startup với nhà đầu tư, tạo nên phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam. Vì vậy, kỳ vọng của Techfest ngoài thúc đẩy các startup thì ý nghĩa của chương trình Techfest của Bộ KH&CN đã đem lại gì cho nhà đầu tư và Startups? Đứng trước câu hỏi này, ông Lê Toàn Thắng Phó - Giám đốc NSSC thẳng thắn chia sẻ “Techfest thuộc Bộ KH&CN đã được chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính vì thế, Bộ KH&CN luôn có những sân chơi dành cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các sân chơi này được hỗ trợ về chính sách, tài chính, hỗ trợ các hoạt động startup thông qua các chương trình Techfest. Cũng phải khẳng định thêm rằng, tại đây các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ khai thác quyền sở hữu trí tuệ, khai thác những ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, như vậy mới đáp ứng được những nhu cầu, định hướng của nhà đầu tư. Đấy là sự khác biệt so với những doanh nghiệp thông thường”. Ngoài ra, các doanh nghiệp ĐMST khi đến với Techfest chính là thông qua các làng công nghệ, đây chính là những đầu mối tuyển chọn thông qua chương trình để tìm ra được các dự án công nghệ tiềm năng và sẽ đáp ứng được khẩu vị của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho biết thêm chương trình Techfest đã kết nối và chọn lọc các dữ liệu liên quan đến startup, các nhà đầu tư trên các nền tảng đã được phân loại theo các lĩnh vực, các ngành nghề. Do vậy Techfest sỡ hữu nguồn nguyên liệu có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư và Techfest sẵn sàng cung cấp dữ liệu này cho chính các nhà đầu tư với mong muốn hai bên nhà đầu tư và Startups có thể kết nối với nhau một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các Startups công nghệ mới như AI, Blockchain cũng cần những tư vấn hỗ trợ để phát triển ý tưởng khởi nghiệp, ngoài việc tìm kiếm đầu tư về nguồn lực, nguồn vốn thì các startup cũng cần đầu tư về mặt tư vấn, định hướng hỗ trợ về công nghệ. Để giải đáp những khó khăn đó, Ông Daika Ginza - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc điều hành Hệ sinh thái Uniworld đưa ra những giải pháp hỗ trợ cho Startups công nghệ AI, Blockchain như trích nguồn ngân sách 10% trữ lượng coin để hỗ trợ cho các startups khi sử dụng công nghệ nền tảng lõi của Uniworld. Từ những ý tưởng làm ra sản phẩm của Startup, Uniworld có khu công nghiệp ảo trên Internet để sản xuất tài sản số giúp hoành thành ý tưởng sau đó sẽ hỗ trợ tư vấn những giải pháp chính. Nhận thấy các startup thường thiếu bộ phận tài chính hoặc chưa có kinh nghiệm xây dựng bộ phận này, hệ thống AI quản trị rủi ro của Uniworld có thể giúp các startup quản trị rủi ro khi sập sàn. Ông Daika Ginza nhấn mạnh: “Đặc biệt quan trọng nhất, mọi giải pháp sau cùng, chúng ta nhắm đến thị trường nào, giá trị của chúng ta là gì, có chạm đến được người dùng đầu cuối hay không? Uniworld có thế mạnh ở các thị trường Nhật, Canada, Phần Lan, có thể giúp cho quý vị về mặt thị trường. Giúp cho các Startups đến được đúng các quỹ có khẩu vị phù hợp với các Startups.”
Chia sẻ về kinh nghiệp làm sao có thể tiếp cận được các nhà đầu tư, Ông Trần Hữu Tuấn, Founder & CEO, Area53 Network đã từng là một Startup trong lĩnh vực Game-Fi, chính vì thế ông cũng có những góc nhìn về cách để tiếp cận cũng như thuyết phục được nhà đầu tư Startup tại Việt Nam: “Trước tiên Founder phải xác định được mình phù hợp với những quỹ nào và những quỹ đó có thể hỗ trợ lâu dài với Startup hay không, ngoài đầu tư tiền thì họ có thể hỗ trợ đầu tư về nền tảng và hơn hết là kinh nghiệm ngành của họ hay không. Thông thường, các startup tiếp cận được quỹ đầu tư thông qua các mối quan hệ, vì thế hãy thể hiện nhiều nhất có thể những thế mạnh mình có, sản phẩm phải chỉn chu, mô hình kinh tế phải đủ thuyết phục các nhà đầu tư.” Còn đối với các Startup Game-Fi dựa trên nền tảng Blockchain để tồn tại lâu dài thì đầu tiên phải được đầu tư để được vận hành, các sản phẩm phải được phát hành và cập nhật thường xuyên, bán kỳ vọng cho các gamer để họ có kỳ vọng ở sản phẩm của mình, từ kỳ vọng này đến kỳ vọng khác, tạo ra cho thị trường một kỳ vọng mới kèm theo một khoản dự trù khi thị trường downtrend thì mới có thể đánh giá được dự án có thể lâu dài hay không.
Qua những chia sẻ trên cho thấy các startup cần phải tiếp tục sáng tạo hơn nữa, nâng cấp ý tưởng của mình để tăng khả năng tiếp cận và thuyết phục các nhà đầu tư để họ có những định hướng bệ phóng giúp Startup thành công hơn nữa, trở thành những kỳ lân của Việt Nam.
VINASA