Hội nghị ICT Investor BootCamp: Những góc nhìn giá trị về xu hướng đầu tư trong tương lai
Tham dự phiên hỏi đáp và thảo luận trong Hội nghị có Ông Đào Quang Bính, Trưởng Ban Phát triển Thị trường TECHFEST 2021, Tổng Giám đốc - Tổng Thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam; Ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc NEXT100 NEXTTECH; Ông Nguyễn Kiến Hưng, Giám đốc kinh doanh, BKAV AI View; Ông Lim Boon Chow, Deputy Director of Entrepreneur Education, NTUitive; và Ông Đỗ Văn Long, Founder & CEO, Công ty Cổ phần Vietnam Blockchain.
Trong giới khởi nghiệp thường nghe nói rằng, lợi thế của người dẫn đầu không thuộc về công ty đầu tiên ra mắt mà thuộc về công ty đầu tiên mở rộng được quy mô. Như vậy, đủ thấy việc mở rộng quy mô được xem là yếu tố sống còn và quyết định đến sự thành công của một Startup.
Theo đánh giá của ông Đào Quang Bính, để mở rộng quy mô thị trường trong nước hay tiến ra thị trường quốc tế, các Startups sẽ cần có một quá trình chuẩn bị và tìm hiểu thị trường cũng như đối thủ cạnh tranh của mình thật kỹ lưỡng. Nhiều thống kê chỉ ra rằng, thông thường một người sáng lập chỉ cần ít nhất từ 3 đến 6 tháng để duy trì hoạt động tại các địa phương nhằm hiểu được cách thức hoạt động của xã hội và nắm bắt được xu hướng thị trường.
Người sáng lập cần có tầm nhìn về cách một sản phẩm, dịch vụ cụ thể có thể thích ứng, phát triển khi cơ sở khách hàng tăng lên và đảm bảo rằng nền tảng công nghệ làm nền tảng cho nó đáp ứng được sự phát triển đó. Tuy nhiên, Startups cũng cần có phương pháp tối ưu hóa các nguồn lực hiện có trong quá trình mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động. Các nhà sáng lập có thể tận dụng các mạng lưới bạn bè hay tham gia vào các hội, nhóm, tổ chức kinh doanh… mỗi khi có cơ hội.
Thêm vào đó, Startups sẽ dễ dàng mở rộng hoạt động kinh doanh nếu sở hữu một mạng lưới mạnh mẽ gồm những “mentor” nhất định, và tất cả những người có khả năng đưa ra mô hình và dịch vụ của công ty được đi đúng hướng. Bên cạnh các phương thức truyền thông truyền thống như báo chí hay truyền hình, Startups cũng nên tận dụng các nguồn lực truyền thông xã hội như YouTube, Instagram, Facebook và Twitter khi thực hiện các chiến dịch Marketing để mở rộng quy mô. Đây là những nơi có thể giúp các nhà sáng lập tiếp cận hàng triệu người dùng - trong đó có những khách hàng tiềm năng của công ty bạn. Một điều quan trọng cần lưu ý là khi lập kế hoạch mở rộng quy mô, nhà sáng lập cũng cần phải thực tế về quá trình này. Cần đảm bảo kế hoạch kinh doanh đề ra phù hợp với kế hoạch vốn. Nhà sáng lập cũng có thể cân nhắc thuê ngoài một số phần nhất định của quy trình, đặc biệt nếu nó không nằm trong thế mạnh cốt lõi của Startups của mình.
Theo báo cáo của CP Insight, các Startups Blockchain trên thế giới đã lập kỷ lục thu hút vốn đến 4,38 tỷ USD trong quý II 2021, tăng hơn 50% so với quý trước và đã gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Việt nam, số lượng cũng như tổng giá trị các khoản đầu tư từ cộng đồng và các dự án Blockchain cũng tăng mạnh trong 2 năm qua bất chấp những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Ông Đoàn Văn Tuấn cho biết, bản chất hiện nay đầu tư vào Blockchain không giới hạn về lĩnh vực cũng như quốc gia và có nhược điểm là không được bảo vệ hay chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.
Đầu tiên, rủi ro về mặt thị trường vì đa phần các Startups gọi vốn dựa trên việc bán Token. Điều này khiến cho giá trị đầu tư bị chi phối rất lớn bởi thị trường tiền số cũng như giá Bitcoin nếu xảy ra diễn biến xấu thì giá trị của khoản đầu tư này hoàn toàn có thể trở về con số không.
Thứ hai, rủi ro về mô hình kinh doanh do nhiều dự án mở ra chủ yếu để bán Token. Chưa có mô hình kinh doanh thực sự bền vững, các quỹ đầu tư đều vào sớm nhưng khi lên sàn không đi quá sâu. Điều đó khiến cho việc xây dựng mô hình kinh doanh chỉ dựa trên việc là có con người tốt gây được Fomo ban đầu, để các nhà đầu tư có thể chốt lời sớm do mô hình kinh doanh này ngắn hạn.
Thứ ba, rủi ro về lừa đảo do bởi bản chất của thị trường này rất dễ dàng tạo ra dự án, tạo ra Token và chưa có khung pháp lý bảo vệ cho nhà đầu tư. Vì thế, đã có nhiều dự án lập ra chỉ để bán được Token rồi đều biến mất ngay sau đó và bỏ mặc các nhà đầu tư. Một rủi ro nữa trong mô hình này là yếu tố không dài hạn ở điểm các nhà đầu tư chủ yếu kiếm lời chứ không phải sử dụng với mục đích như một mô hình bền vững mà trên thị trường đang bị thiếu.
Đối với NEXT100, vẫn có đầu tư về mặt Token mà không dựa trên các dự án Fomo có tính ngắn hạn mà chỉ tập trung vào các dự án dài hạn để giảm bớt rủi ro khi đầu tư và tránh scam. Bên cạnh đó, NEXT100 cũng đã tập trung rất nhiều nguồn lực vào thẩm định về Text và con người dựa trên những mối quan hệ Network để đảm bảo đây là dự án thật, có Usecase và có thể liên hệ được với thế giới thực bên ngoài cũng như có tính dài hạn.
Một trong những dự án mới đây mà NEXT100 đã rót khoản đầu tư vào chính là dự án Enrex (dự án xanh). Dự án này có thể kết nối được với thế giới thực bên ngoài thông qua cổng thanh toán điện tử, giúp cho việc mua bán Crypto trở nên dễ dàng và đảm bảo an toàn hơn cho người dùng. NEXT100 đã và đang làm khá thành công trong những dự án này.
Tại buổi giao lưu giữa các Quỹ đầu tư, Ông Lim Boon Chow cũng có những chia sẻ giá trị về “hệ sinh thái”. Ông tin rằng hệ sinh thái chính là “xương sống” của sự phát triển công nghệ thông tin. Để có sự phát triển vượt bậc, những thành phần trong hệ sinh thái phải hỗ trợ đồng đều và lẫn nhau. Vì thế, để hướng đến sự phát triển, tạo ra nhiều giá trị bền vững hơn cho xã hội và cần chú trọng đầu tư vào hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp.
Hiện các dự án của NTUitive đã được triển khai ở nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Anh,... và cả Việt Nam. Những chương trình nghiên cứu, phát triển các giải pháp sáng tạo đổi mới này được thực hiện thông qua Hội cựu sinh viên NTU tại các nước trên, góp phần vào sự phát triển của chính đất nước mà NTUitive triển khai chương trình nghiên cứu - Ông Lim Boon Chow cho biết thêm.
Khi được hỏi về việc mở rộng hợp tác của BKAV AI View với các Startups, ông Nguyễn Kiến Hưng đã có chia sẻ “Bản chất của hệ sinh thái BKAV AI View giống mô hình của Qualcomm và không bao giờ bán khách hàng cuối mà tập trung vào B2B2C”. Vì thế, các Startups chỉ cần có nhiệt huyết và dịch vụ. Từ đó họ đã có một hệ sinh thái như chấm công điểm danh tích hợp với Camera của BKAV.
Đối tượng thứ hai là các Startups có khả năng phát triển về mô hình AI cuộc sống. Tuy nhiên, BKAV chỉ tập trung vào những bài AI phổ biến như: Thị trường Nhật Bản đang phát triển model AI để phát hiện quạ nên có thể tích hợp Camera của BKAV, và cũng được đưa tới khách hàng cuối.
Trả lời cho câu hỏi lời khuyên nào đến với các Startups tương lai có định hướng theo con đường Blockchain và làm sao để họ có thể kiên trì theo đuổi con đường này, ông Đỗ Văn Long chia sẻ có hai nhánh phát triển chính:
Nhánh thứ nhất là về Public Blockchain, đây là một trong những xu hướng tất yếu nên các Startups có thể gia nhập trào lưu này và đứng trên vai “người khổng lồ” một cách nhanh nhất.
Nhánh thứ hai liên quan đến ứng dụng công nghệ Blockchain vào các lĩnh vực của đời sống nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm được làm ra. Nhưng muốn tiến xa hơn nữa thì cần nắm vững bản chất của công nghệ, và có tầm nhìn dài hơi mới trụ vững được trên thị trường. Sau khi ứng dụng sản phẩm thành công vào thị trường, cần phải liên tục cải tiến cũng như nâng cấp để tăng độ nhận diện sản phẩm đến với cộng đồng.
Thực tế, nhiều Startups đang có xu hướng chỉ tham gia ngắn hạn hoặc tìm cách huy động vốn một cách ngắn hạn. Vì vậy, lời khuyên của ông Long là nên đi theo hướng Public Blockchain dài hơn nhằm mang lại giá trị thật cho xã hội.
Có thể nói, làn sóng đầu tư về lĩnh vực công nghệ sáng tạo đang phát triển như vũ bão. Song cũng là một thách thức không hề nhỏ cho các Startups. Do đó, các Startups công nghệ Việt Nam cần phải tập trung mục tiêu chính là phát triển sản phẩm và dịch vụ để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Ngoài câu chuyện gọi vốn đơn thuần, hợp tác cùng các quỹ phù hợp cũng mang đến cho Startups kiến thức, kinh nghiệm và những sự định hướng xác đáng của các chuyên gia nhằm giúp cho sự phát triển của công ty trong tương lai.