Startup Pitching/Matching - Triển vọng phát triển của Startup Việt Nam
Ngày 14/12/2021, hoạt động Startup pitching/matching nằm trong khuôn khổ Hội nghị ICT Investor BootCamp đã diễn ra hiệu quả, thành công. Hoạt động này nhằm hỗ trợ kết nối các Startup với các Quỹ Đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực ICT, đưa ra các Khuyến nghị chính sách, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và gọi vốn đầu tư, giới thiệu các Startup ICT nổi bật, kết nối các nhà đầu tư và Startup, Pitching dành cho các Startup tiêu biểu.

Theo đó, Hội nghị ICT Investor BootCamp thuộc khuôn khổ TECHFEST Quốc Gia 2021 được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), CLB Đầu tư Công nghệ số VDI cùng với Văn phòng Đề án 844, Ban phát triển thị trường (TECHFEST 2021) phối hợp tổ chức. Startup pitching/matching không chỉ hỗ trợ kết nối giữa các Startup và các nhà đầu tư, mà hoạt động này còn mang lại những giá trị bền vững như chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm đầu tư và gọi vốn đầu tư, đây là một trong những yếu tố không thể thiếu với các doanh nghiệp còn non trẻ. Tại buổi hội nghị, hoạt động pitching này còn được xem như một buổi ra mắt của các Startup ICT tiêu biểu với các nhà đầu tư.

Được biết, để khuyến khích và tạo động lực cho các Startup, buổi pitching cũng đề ra 3 giải thưởng (giải nhất, giải nhì, giải ba). Với mỗi Startup đoạt giải trong hoạt động pitching, đều được matching trực tiếp với các nhà đầu tư; có cơ hội giới thiệu dịch vụ, giải pháp và quảng bá sản phẩm của thương hiệu; được giao lưu, kết nối với các quỹ đầu tư, investor, mentor và các Startup công nghệ khác,… Với những tiêu chí đánh giá cụ thể, hội đồng đánh giá Startup Pitching gồm: Ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc quỹ NEXT100 (NEXTTECH); Ông Lữ Vincent Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Công nghệ A.YERSIN; Bà Nguyễn Thu Hương, Trưởng nhóm phân tích đầu tư BK Holdings sẽ là những người chọn ra 3 Startup tiêu biểu đoạt giải.

Buổi pitching có sự tham gia của nhiều Startup tiêu biểu, giàu tiềm năng: ABS Institute (HQ Group), Rostek, AIBOX Corp, Zen Apppro, Coin Tap, DeltaFlow. Tuy chỉ có 3 Startup đoạt giải thưởng là Rostek (giải nhất), DeltaFlow (giải nhì) và Zen App (giải ba) nhưng phần lớn các Startup đều thể hiện được tối đa tiềm năng phát triển và những lợi thế mà mình đang có.

Giải nhất buổi pitching thuộc về Rostek, Startup này mang đến dự án cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp sản xuất - xe tự hành AGV. Xe tự hành AGV (Automated guided vehicle) với ứng dụng vận chuyển hàng hóa trong nhà máy, logistic là một trong những sản phẩm chủ đạo của Rostek, có thể mang tải trọng lên đến 500 kg với tốc độ dao động từ 0,8 m/s đến 1,2 m/s. Rostek tự tin là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất trên thế giới vào sản xuất, tạo tiền đề giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu công nghiệp 4.0. Rostek đã gây ấn tượng mạnh mẽ với Ban giám khảo bằng những tiện ích vượt trội thông qua dự án trên.

Với những đóng góp mang tính xây dựng của Ban giám khảo, đại diện Rostek cho biết mục tiêu kêu gọi đầu tư của Rostek dùng để chuyển hóa sản phẩm. Xây dựng nhà máy sản xuất tiêu chuẩn để có thể sẵn sàng xin vào những tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến AGV và AMR. Đồng thời cho biết sản phẩm này của Rostek không thể bán đại trà trên thị trường, nó chỉ phù hợp với những công ty có cơ sở vật chất phù hợp với robot, đã hoặc đang sử dụng AGV và muốn nâng cấp lên sản phẩm robot tự hành. Được biết, Rostek thành lập vào năm 2019, phát triển và cung cấp các sản phẩm hiệu quả để xây dựng nhà máy thông minh. Đội ngũ nhân sự cốt lõi của Rostek là các kỹ sư dày dặn kinh nghiệm và từng làm việc cho các công ty công nghệ lớn tại Việt Nam.

 

Giải nhì buổi pitching thuộc về DentalFlow, một phần mềm nha khoa, giải pháp do nha sĩ thiết kế dành cho nha sĩ. Phòng khám có thể quản lý lịch hẹn nha khoa, bệnh án, khách hàng, nhân sự, tài chính vật tư… một cách năng suất, tiết kiệm, tối ưu hóa thời gian và đem lại doanh thu cao. Hiện tại, DentalFlow đang dần phát triển và triển khai thành công các giải pháp chuyển đổi số cho hơn 50 khách hàng, là các phòng khám vừa và lớn trong một thời gian rất ngắn. DentalFlow có khát vọng phấn đấu trong vòng 5 năm tới sẽ trở thành nhà cung cấp giải pháp hàng đầu của ngành nha khoa Việt Nam và dẫn đầu trong ngành nha khoa thẩm mĩ.

Ông Vũ Duy Khánh, CEO DentalFlow cho biết thêm khi nghe nhận xét của Ban giám khảo: “Hiện tại DentalFlow đang có cả 2 nguồn doanh thu phát triển từ lĩnh vực kinh doanh: Thứ nhất là định hướng dùng dịch vụ SaaS (Software as a service), các phòng khám sẽ trả chi phí lưu trữ và chi phí sử dụng hàng tháng. Bên cạnh đó, DentalFlow cũng phát triển thêm dịch vụ Customize riêng cho một số phòng khám lớn, cụ thể là phòng khám iMed”. Ông Khánh cũng cho biết các giải pháp số hóa phòng khám hiện tại phần lớn đều chỉ dừng lại ở bước số hóa thông tin của bệnh nhân và thường bỏ qua bước quan trọng nhất đó là số hóa thông tin dữ liệu bệnh án, vì thế DentalFlow sẽ giải quyết được vấn đề này. DentalFlow luôn tuân thủ theo tiêu chuẩn HIPAA – Quy tắc bảo vệ dữ liệu sức khỏe chuẩn Hoa Kỳ trong khi thực hiện số hóa thông tin cá nhân, sức khỏe của bệnh nhân. Tất cả các sản phẩm có sử dụng SaaS đều có những cơ chế bảo mật liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành.

Giải ba của buổi Startup pitching/matching thuộc về Zen App, một ứng dụng trị liệu thư giãn đầu tiên tại Việt Nam, hỗ trợ kết nối với khách hàng có nhu cầu với các chuyên viên massage giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản. Zen giúp khách hàng có thể tận hưởng dịch vụ trị liệu thư giãn mọi lúc, mọi nơi tùy thích cũng như mang lại cơ hội thu nhập chủ động cho các chuyên viên massage. Với tầm nhìn của mình, Zen hướng tới giải quyết những vấn đề nhức nhối như sau: Zen cung cấp nền tảng hỗ trợ kết nối trực tiếp các chuyên viên massage có trình độ cao với số lượng lớn khách hàng để gia tăng cơ hội tạo thu nhập chủ động; khách hàng cũng dễ dàng liên hệ đặt lịch massage trị liệu tại bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào trong ngày; ứng dụng Zen luôn vận hành 24/7 nhằm hỗ trợ tối đa cho cả chuyên viên massage và khách hàng.

CEO của Zen App, ông Poppet Celdrán tiếp nhận đánh giá, nhận xét tích cực từ Ban giám khảo, ông cho biết thêm: “Zen có quy định chặt chẽ cho các cho các chuyên viên massage khi tham gia vào Zen, kiểm tra kỹ năng, bằng cấp và đảm bảo nhiều yếu tố quan trọng khác trước khi nhận được liên kết với khách hàng lần đầu tiên. Và các hình thức thanh toán sẽ thông qua Zen App bằng các loại ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng”. CEO của Zen định hướng ứng dụng sẽ nhắm tới thị trường  khu vực thành phố Hồ Chí Minh, từ đó sẽ dần mở rộng ra các thành phố lớn khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hạ Long, Nha Trang, Huế, Phú Quốc. Kế hoạch mở rộng kinh doanh này cũng sẽ cùng chung thời điểm phát triển Zen tại Phnom Penh, Campuchia và Seoul khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát ổn định.

Có thể thấy các Startup ICT tại Việt Nam ngày càng có nhiều tiềm năng, triển vọng, thông qua hội nghị ICT Investor BootCamp, một số Startup đã khẳng định được giá trị và tầm nhìn hiệu quả của mình, thông qua đó góp phần thu hút mạnh mẽ sự chú ý của các nhà đầu tư, tạo thêm nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển của mình.

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT