Hội nghị ICT Investor Bootcamp: Câu chuyện khởi nghiệp công nghệ Blockchain trong Nông nghiệp
Vào ngày 14 tháng 12 năm 2021, “Hội nghị ICT Investor BootCamp- Chủ đề: Thúc đẩy công nghệ tương lai để dẫn đầu” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), CLB Đầu tư Công nghệ số VDI phối hợp với Văn phòng Đề án 844, Ban phát triển thị trường (TECHFEST 2021) đã diễn ra thành công tốt đẹp. Trong khuôn khổ các bài chia sẻ tại hội nghị, Ông Đỗ Văn Long, Founder & CEO Công ty Cổ Phần Vietnam Blockchain đã có những chia sẻ rất chân thật về câu chuyện khởi nghiệp và những tiềm năng phát triển của doanh nghiệp mà ông đang trực tiếp điều hành.
Ông Long chia sẻ, cách đây 6 năm, khi câu chuyện về hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin được liên kết với nhau nhờ mã hóa, thứ mà chúng ta thường gọi là Blockchain vào ngày nay; ông và các cộng sự đã nhìn thấy và dự đoán đây sẽ là loại hình công nghệ tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tiếp tục phát triển mạnh trong một vài thập kỷ tới nhờ những khả năng ưu việt, ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Khi Internet đang có những bước phát triển như vũ bão, về tốc độ tăng trưởng, khả năng cũng như phạm vi, đồng thời tràn ngập quá nhiều thông tin; Blockchain đã ra đời và tạo ra một cơ hội mới để thông tin được đo lường một cách chính xác và minh bạch hơn trên mạng máy tính kết nối toàn thế giới. Đây chính là một trong những điểm quan trọng mà Blockchain có thể đem lại cho giới công nghệ trong tương lai. Nhận thấy những yếu tố tiềm ẩn để phát triển đó, ông Long và các cộng sự đã thành lập công ty VietNam Blockchain vào năm 2016, với mong muốn cùng cộng đồng nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain để ứng dụng vào đời sống.
Theo Ông Long, tới thời điểm hiện tại, nhân lực về công nghệ Blockchain đang gặp phải tình trạng thiếu hụt và khan hiếm khi không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới cũng đang gặp phải sự việc tương tự. Điều này thể hiện tính ưu việt của công nghệ này trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và gần đây nhất là hàng loạt ứng dụng liên quan về nền tảng Blockchain như quản lý truy xuất nguồn gốc để những nhãn hiệu Việt Nam có thể xuất khẩu ra thế giới một cách an toàn, minh bạch và được kiểm chứng chất lượng cao. Vấn đề nhân lực, nguồn lực vẫn đang rất được kỳ vọng sẽ được liên tục được đầu tư và phát triển trong Việt Nam trong những năm tiếp theo nói riêng; đồng thời đội ngũ của công ty cũng mong muốn được đóng góp một phần trong công cuộc xây dựng Việt Nam trở thành một trong những đất nước tiên phong, khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực trong đời sống nói chung.
Về định hướng tầm nhìn ngắn hạn trong 5 năm tiếp theo để phát triển doanh nghiệp của mình, vị CEO cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đã được nghe về Blockchain nhưng họ vẫn chưa biết về công nghệ này một cách cụ thể và họ đang cần một dịch vụ có thể tạm gọi là “Blockchain As A Service” tức là: Sử dụng Blockchain mà không cần phải hiểu rõ về Blockchain, chỉ cần đăng ký là có thể sử dụng được dịch vụ nhằm dẫn dắt tiềm năng công nghệ Blockchain tại Việt Nam, nắm bắt cơ hội mang tương lai công nghệ mới tiếp cận kinh tế toàn cầu.
Về thị trường, ông Vân Long đã nhấn mạnh về thị trường Enterprise blockchain, thị trường Blockchain dành cho khối doanh nghiệp. Ông giải thích thêm, riêng về các đồng tiền mã hóa như bitcoin v.v… là thị trường Public Blockchain, thị trường đó xuyên biên giới và mỗi quốc gia có một cách quản lý khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, đất nước ta vẫn chưa cho phép những hoạt động liên quan đến kinh doanh tiền ảo. Đây là một trong những điểm trọng yếu khi ông và các cộng sự tiếp cận công nghệ và cần phải phân biệt rất rõ. Enterprise Blockchain là áp dụng thuần túy về khoa học công nghệ cho các lĩnh vực về đời sống và hoàn toàn hợp pháp, đồng thời là một công nghệ nền tảng nâng cao và không phải hình thức kinh doanh về tiền ảo. Đối với thị trường này, con số về khối lượng giao dịch khoảng 7.8 tỷ đô đã đủ lớn để doanh nghiệp khoa học công nghệ như Vietnam Blockchain có được một tầm nhìn định hướng lâu dài và trong tương lai ông nghĩ con số sẽ tăng lên gấp nhiều lần nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, ứng dụng các công nghệ mới để minh bạch hóa sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng tại Việt Nam và sản phẩm nhập khẩu từ thị trường quốc tế. Đó là một trong những câu chuyện mà doanh nghiệp của ông đã và đang cố gắng hết mình trong việc ứng dụng công nghệ mới vào lĩnh vực của đời sống.
Tại thời điểm hiện tại, sự cạnh tranh về lĩnh vực này khá khốc liệt. Khi nói riêng về thị trường Enterprise, đã có công ty tiêu biểu như IBM, Microsoft,... Đồng thời, có rất nhiều doanh nghiệp đã thành lập học viện về Blockchain trên thế giới và một số cái tên rất thành công như: Quorum, Corda, Hyperledger của Consensys… là những nơi có sự phát triển cực kỳ mạnh cùng với đội ngũ nhân lực lên đến hàng trăm người, trong khi Vietnam Blockchain chỉ có khoảng 50 nhân sự đến từ Trường Đại học Bách Khoa TP HCM. Tại thị trường Việt Nam, trong hoạt động thực hiện việc truy xuất nguồn gốc hoặc một số lĩnh vực liên quan về các nền tảng truyền thống, Vietnam Blockchain đã đưa ra một công nghệ mới trong môi trường có khá nhiều các đối thủ và đó là một trong những yếu tố mà doanh nghiệp của ông cần phải chứng minh năng lực của mình.
Ngoài ra, ông Long cho biết, Vietnam Blockchain đã định hình, tập trung chính vào công nghệ Blockchain để kết nối với các hệ thống truyền thống. Blockchain ra đời không phải với mục đích thay thế các giải pháp truyền thống, mà là để kết nối và nâng tầm các giải pháp ấy lên một tầm cao mới nhằm đảm bảo an toàn và minh bạch thông tin. Blockchain phải sống chung với hệ thống truyền thống vì về mặt cơ bản loại hình công nghệ này phải áp dụng công nghệ vốn đã có trước kia. Ngoài việc lấy được giấy phép đầu tiên tại Việt Nam, chúng tôi cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc về ứng dụng công nghệ Blockchain cho khoảng 32 tỉnh trên 63 tỉnh/thành hiện nay. Cho đến thời điểm hiện nay, các dự án khá thành công của Vietnam Blockchain có thể kể đến như : Agridential.vn (nhận được giải nhân tài Đất Việt), Smart Ballot và CovidPass.
Đồng thời, để tiếp nối với xu hướng metaverse, Vietnam Blockchain đã tung ra nền tảng VBChain được sử dụng trong doanh nghiệp. Từ năm 2020, doanh nghiệp của ông có doanh thu và có xu hướng gia tăng do có nhiều khách hàng, đối tác đã thấu hiểu và ứng dụng công nghệ của Vietnam Blockchain; trong đó doanh thu chính đến từ dự án truy xuất nguồn gốc Agridential.vn để phục vụ cho cộng đồng, chứng minh các sản phẩm “made in Việt Nam”. Không chỉ phối hợp với công nghệ truyền thống với lĩnh vực nông nghiệp, Vietnam Blockchain còn có thể kết hợp với các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, y tế, dịch vụ công có định danh số,... đều có thể áp dụng Blockchain - ông Văn Long chia sẻ.
Có thể thấy rằng, Blockchain hiện đang là một trong những xu hướng nổi bật nhất, vì vậy mà ngày nay có rất nhiều startup có thể nhìn thấy được các tiềm năng trong việc áp dụng công nghệ này vào quá trình xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp của mình. Khi khởi nghiệp, các startup cần phải nghĩ đến việc ứng dụng các nền tảng công nghệ tiên phong này trong sản xuất, kinh doanh; tận dụng vào các ứng dụng công nghệ để có được khả năng quản lý ưu việt, lợi thế cạnh tranh vượt trội và khả năng phát triển mở rộng thị trường một cách nhanh chóng, dẫn đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực toàn cầu.