Đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ
Trong hiện tại và cả tương lai, các công nghệ mới và tiên phong được xem là chìa khóa tất yếu giúp cho các nền kinh tế thế giới có những bước phát triển nhảy vọt. Đặc biệt qua sự bùng phát của đại dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ mới cùng các mô hình số hóa còn được thúc đẩy với tốc độ nhanh và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Trong khuôn khổ TECHFEST Quốc gia 2021, Hội nghị Kết nối đầu tư với chủ đề “Thúc đẩy đầu tư công nghệ tương lai để dẫn đầu” do VINASA, VDI, văn phòng Đề án 844 Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Ban Phát triển thị trường Techfest tổ chức vào ngày 14/12/2021 đã diễn ra thành công tốt đẹp và mang lại nhiều luồng thông tin giá trị đến từ các diễn giả, lãnh đạo các Bộ Ngành.

Đánh giá về tiềm năng phát triển đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nói chung và công nghệ tiên phong sáng tạo nói riêng tại Việt Nam, ông Đào Quang Bính, trưởng Ban Phát triển thị trường Techfest 2021, Tổng Giám đốc - Tổng Thư ký Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam, đã có những dự báo và nhận định khách quan về tài nguyên, cơ hội và các chính sách trong đầu tư mạo hiểm. Theo ông Bính, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, dồi dào và ngày càng có xu hướng ưu tiên sử dụng các dịch vụ số. Những lợi thế kể trên khiến Việt Nam được xem là thị trường có nhiều tiềm năng trong việc ứng dụng và thúc đẩy các xu hướng công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, công nghệ chuỗi, khối, blockchain… Theo báo cáo tiềm năng kinh tế số Việt Nam, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể mang lại hơn 74 tỷ đô cho Việt Nam vào năm 2030. Khoảng tiền này tương đương với 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Dự kiến các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.

Để có thể giúp các công nghệ tiên phong hay đổi mới sáng tạo thực sự được phát triển mạnh mẽ, mang lại sức bật lớn cho nền kinh tế thì các dòng vốn đầu tư là yếu tố đóng vai trò then chốt. Theo số liệu thống kê từ Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, trong năm 2021, đầu tư khởi nghiệp đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1.3 tỷ đô bất chấp những khó khăn từ đại dịch Covid-19. Trong đó có nhiều lĩnh vực đang rất nóng thu hút đầu tư mạnh mẽ như công nghệ tài chính Fintech, game, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử. Hiện nay đã có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam với hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có sự bức phá và đã đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (xếp sau Singapore và Indonesia). Các con số này cho thấy những tín hiệu tích cực về nguồn vốn đang chảy vào các Startup hay các công ty công nghệ, các công nghệ mới. Tuy nhiên nếu xét về tiềm năng, ông Bính nhận định: “Việt Nam có thể thu hút thêm nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư từ trên khắp thế giới. Các kinh nghiệm từ các nước thành công có thể gợi mở cho chúng ta phần nào cách thức để thu hút vốn đầu tư và đổi mới sáng tạo cũng như các công nghệ tiên phong”.

Trong số các quốc gia đang nổi lên trong “radar” của giới đầu tư mạo hiểm vào công nghệ. Ấn Độ là quốc gia nổi bật và đáng chú ý nhất sau những con số, những thành quả mà quốc gia này đạt được trong việc thu hút đầu tư công nghệ. Để có thể hiểu rõ hơn, ông Bính đã có những phân tích chuyên sâu về thành công của Ấn Độ. Đầu tiên có thể kể đến, đây là quốc gia có quy mô dân số lớn với 1.4 tỷ người và nếu so sánh với Việt Nam sẽ có những điểm tương đồng như sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, lực lượng lao động năng động và tăng trưởng nguồn lực người dùng sở hữu thiết bị thông minh. Ấn Độ được xem là quốc gia có sự bùng nổ về đầu tư và hoàn thiện về hệ sinh thái trong những năm gần đây. Theo dữ liệu của một công ty nghiên cứu, số lượng “Kỳ lân” - Startup mới được định giá trên 1 tỷ đô hằng năm của nước này lần đầu tiên vượt Trung Quốc vào năm 2020 (17 Kỳ lân so với 16 Kỳ lân của Trung Quốc). Ông Bính nhận định: “Nếu theo dõi hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Ấn Độ, có thể thấy số lượng Kỳ lân mới chỉ tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong thập kỷ từ 2011-2019, Ấn Độ chỉ tạo ra được 22 Kỳ lân và hơn 40% của quốc gia này đã xuất hiện chỉ riêng vào năm 2021”. Ấn Độ cũng được xem là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi Trung Quốc áp dụng chính sách siết chặt đối với các công ty công nghệ. Các công ty đổi mới sáng tạo cũng có một môi trường ổn định và thuận lợi để phát triển và mở rộng tại quốc gia này trong cả thập kỷ qua. Nhờ đó các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ nhận được dòng vốn đầu tư mạo hiểm cao kỷ lục. Nước này cũng đang nhanh chóng trở thành điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư toàn cầu để xây dựng các công nghệ của thế hệ tiếp theo. Báo cáo đầu tư thế giới năm 2021 gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy Ấn Độ đã trở thành quốc gia tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI lớn thứ năm trên toàn cầu vào năm 2020. Riêng năm 2021 đã có khoảng 64 tỷ đô “chảy” vào Ấn Độ với phần lớn là đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh Ấn Độ, Singapore cũng là một trong các quốc gia nổi bật trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ tiên phong. Nằm trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam chúng ta, Singapore từ lâu đã nổi lên là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư ngoại và các công ty đa quốc gia cho các Startup công nghệ dù quy mô dân số của quốc gia này rất nhỏ. Cũng không phải là thiên đường thuế nhưng Singapore được biết đến là quốc gia có chính sách thuế đơn giản và cạnh tranh. Quốc đảo sư tử này cũng nổi tiếng là quốc gia có hạ tầng và chính phủ thân thiện, không phân biệt đối xử với đầu tư nước ngoài. Việc thành lập công ty tại Singapore cũng rất đơn giản, chỉ mất vài ngày và ít chịu các ràng buộc hay hạn chế về các hoạt động quốc tế. Những lý do trên chính là lý do khiến các dòng vốn quốc tế liên tục đổ vào quốc gia này. Theo số liệu thống kê, các công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại Singapore đã huy động được 11.2 tỷ đô trong 9 tháng đầu năm 2021. Riêng lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) - một lĩnh vực sản sinh ra nhiều “kỳ lân” nhất, quốc gia này đã xây dựng được danh tiếng vững chắc với đầu tư Fintech và trở thành “thủ đô’ của Fintech toàn cầu. Đồng thời, đảo quốc sư tử đang muốn khẳng định vị thế là một trung tâm của giới doanh nghiệp tiền số toàn cầu. Cách tiếp cận cởi mở với tiền số của Singapore đã giúp nước này thu hút nhiều công ty tiền điện tử như Binance Holdings…đến và đặt trụ sở.

Từ những kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong thu hút đầu tư vào công nghệ như Ấn Độ và Singapore, ông Bính chia sẻ: “Chúng ta có thể thấy sự ổn định của môi trường đầu tư đóng một vai trò hết sức quan trọng. Thêm vào đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục về thành lập doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thân thiện, tránh phân biệt các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời cũng cần xây dựng một hệ thống các quy định lành mạnh, rõ ràng, mang tính hỗ trợ cho các hoạt động IPO hay hoạt động thoái vốn của các nhà đầu tư”. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia và thành phố trên thế giới đang tăng lên từng ngày, mọi khu vực đều phải nỗ lực hơn để thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt khi mà mọi tổ chức toàn cầu hiện đang có nhiều lựa chọn hơn. Tại Diễn đàn Thành phố Thông minh và Bền vững do Trường Đại học RMIT tổ chức gần đây. Các chuyên gia cho rằng, trong kỷ nguyên mới, các nhà đầu tư quốc tế sẽ xem xét những yếu tố mới khi lựa chọn đầu tư, bao gồm mức độ số hóa của điểm đến, mức độ bền vững của nền kinh tế và tính chất xã hội của môi trường xung quanh. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến quyết định đầu tư so với các yếu tố truyền thống như lao động chi phí thấp, tài nguyên phong phú hay quy mô dân số lớn. “Do vậy Việt Nam cũng nên đẩy nhanh các khoản đầu tư vào thành phố thông minh, tích hợp tổ hợp các công nghệ mới bởi đây mới được xem là thỏi nam châm thu hút vốn FDI” - ông Bính chia sẻ.

Công nghệ phát triển như vũ bão cũng là thách thức không nhỏ cho các nhà làm chính sách. Tuy nhiên nếu không có tư duy cởi mở vượt trội thì sẽ rất khó có thể tạo ra được hành lang pháp lý cũng như một môi trường đủ hấp dẫn và thuận lợi cho giới đầu tư. Khi công nghệ, mô hình kinh doanh, sản phẩm đều đã thay đổi thì chính sách tất nhiên cũng cần phải thay đổi để tránh lãng phí nguồn lực và tận dụng tối ưu nguồn nhân tài của đất nước.

 

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT