Smart City – Cơ hội cho các Startup Việt
Ngày 06/11/2021, trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị cấp cao Thành phố thông minh Việt Nam - Việt Nam – ASOCIO Smart City Summit 2021, Hội nghị: Startup với Thành phố thông minh được tổ chức bởi Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Câu lạc bộ Đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ số (VDI) phối hợp với Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng Làng Đô Thị Thông Minh và Công nghệ Bất Động Sản, TECHFEST 2021. 

Hội nghị Startup với Thành phố thông minh là nơi gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời giới thiệu các giải pháp về Smart City nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tư duy phát triển các giải pháp Công nghệ Việt, đóng góp vào sự phát triển hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị “Startup với Thành phố thông minh”, ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ:Làn sóng đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam và khu vực trong thời gian qua là Fintech. Việt Nam là một trong những nền kinh tế đón được làn sóng này và tạo dựng được vị thế với những tên tuổi nhất định. Nhưng đang có dấu hiệu chuyển sang một làn sóng mới là Proptech và Smart City với lượng đầu tư lớn và các giải pháp sáng tạo tiềm năng được phát triển nhiều”. Theo ông Thắng, Smart City và PropTech sẽ là làn sóng tiếp theo của Đầu tư khởi nghiệp với những công nghệ mới như AI, Big Data, và đặc biệt là Blockchain.

Hội nghị “Startup với Thành phố thông minh” rất vinh dự được đón tiếp sự hiện diện của Thứ Trưởng Trần Văn Tùng, Bộ Khoa học & Công nghệ. Phát biểu chào mừng tại Hội nghị “Startup với Thành phố thông minh”, Thứ trưởng cho rằng “Việc xây dựng một chương trình trao đổi giao lưu ở tầm quốc gia giữa các chủ thể hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với các hệ sinh thái trong khu vực một cách bài bản thường xuyên cả tại Việt Nam và ở nước ngoài là cơ hội để Việt Nam quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khẳng định vị thế nhằm thu hút những Startup sang Việt Nam khởi nghiệp, thu hút các nhà đầu tư, các chuyên gia tới Việt Nam, tạo thị trường tốt cho các Startup Việt Nam. Trên hết là đóng góp vào việc hoàn thiện một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam cạnh tranh nhất trong khu vực Đông Nam Á, vươn lên là Trung tâm khởi nghiệp hàng đầu của cả Châu Á

Với vai trò đại diện Quỹ Đầu tư, Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Tổng Giám đốc Qũy đầu tư mạo hiểm Nextrans có chia sẻ “Dòng vốn chảy trong lĩnh vực Smart City, Proptech hiện đang thu hút rất nhiều và lĩnh vực công nghệ bất động sản được xem rất tiềm năng. Trong các năm tới, chính phủ, tập đoàn tư nhân lớn tại Việt Nam cho rằng Smart City & Proptech là xu hướng tất yếu. Các quỹ đầu tư cũng mong muốn các Startup công nghệ Việt thực hiện càng sớm càng tốt, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn Việt Nam bắt kịp xu hướng của thế giới càng nhanh càng tốt”.

Ông Phan Văn Hưng, CTO, CEN GROUP có chia sẻ tại Hội nghị “Startup với Thành phố thông minh”: “Nền kinh tế Việt Nam năm 2020, thị trường Bất động sản có GDP 343 tỷ, dân số tuổi trung bình 32.5 tuổi, đây là lớp trẻ sẵn sàng dùng công nghệ mới, trong đó thị trường Bất động sản khoảng 12.5 tỷ đô. Nếu có khoảng 2% đầu tư cho Smart City, Smart home, giá trị thị trường khoảng 250 triệu đô, đây được xem là cơ hội lớn, mở rộng cho tất cả mọi người. Mặc dù, thị trường Smart City & Proptech có đặc thù là thị trường có nhiều sản phẩm nước ngoài, nhưng vẫn có khoảng không gian rất lớn cho các sản phẩm của Việt Nam, với giao diện tiếng việt sẽ là ưu điểm, thuận tiện cho nhiều người Việt”.

Với vai trò là một doanh nghiệp lớn, tiên phong thúc đẩy sự phát chuyển đổi số Việt Nam và đặc biệt triển khai giải pháp đô thị thông minh cho các tỉnh thành trên toàn quốc, Viettel mong muốn chung tay cùng startup giải các bài toán và phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam. Ông Dương Công Đức, Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh - Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel có nhận định tại Hội nghị rằng “Trong bối cảnh hiện nay rất thuận lợi phát triển các giải pháp ứng dụng cho đô thị thông minh. Đây là thời kỳ chín muồi của công nghệ 4.0 như AI, Big Data, Blockchain, Data Analysist. Trải qua đại dịch COVID -19 bùng phát vào quý 3 năm nay, các hoạt động vận hành, quản trị của doanh nghiệp nói riêng và tất cả các hoạt động của đời sống đều thay đổi, chúng ta càng thấy được giá trị, ý nghĩa của ứng dụng công nghệ thông minh và là lời giải quyết định vượt qua khó khăn thách thức của đại dịch”.

Theo Ông Lê Trọng Đức, Giám đốc FPT Smart home, FPT Telecom có chia sẻ tại Hội nghị “Startup với Thành phố thông minh” rằng “FPT mong muốn mang đến một cuộc sống thông minh cho mọi người với những thói quen hàng ngày với ứng dụng công nghệ thông minh và tiện nghi như ánh sáng thông minh, điều hoà thông minh, công tắc thông minh, đèn thông minh, bình nước nóng thông minh…”. FPT Telecom cũng kỳ vọng, từ nhà thông minh có thể mở rộng ra thành khu dân cư thông minh “Smart Resident” và mong muốn chuyển đổi cuộc sống của chúng ta tự nhiên nhất có thể để trở thành “Smart Living” với các ứng dụng nhận diện giọng nói và hợp tác với các đối tác khác như Điện Quang, Kangaroo, Rạng Đông, Google… để kết nối vào hệ sinh thái của FPT.

Thông qua Hội nghị “Startup với Thành phố thông minh”, các Diễn giải đã nhận định rằng để triển khai hệ sinh thái đô thị thông minh cần có những Doanh nghiệp lớn đang thực hiện trên một vài nền tảng như Viettel, Bkav, FPT. Tuy nhiên, trên những nền tảng này còn hàng ngàn bài toán của cuộc sống hàng ngày với nhu cầu của con người rất nhiều. Các doanh nghiệp khởi nghiệp có ưu điểm ý tưởng nhanh nhạy và linh hoạt trong phát triển sản phẩm. Đây sẽ là cơ hội để các Startup cùng các Doanh nghiệp lớn hợp tác để thử nghiệm và triển khai tại các tỉnh, thành phố trong Việt Nam và mở rộng trên thị trường quốc tế.

VINASA

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT