Doanh nghiệp IT Outsourcing và xu hướng đầu tư startup
01/10/2021 14:41
Sau 20 năm xây dựng, Việt Nam giờ trở thành một trong những trung tâm ủy thác phát triển, xuất khẩu dịch vụ phần mềm hàng đầu thế giới. Những thị trường chính hầu hết là các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Châu Âu, và đặc biệt là Nhật Bản. Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn thứ 2 cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Sau hơn 20 năm, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã dần tích lũy kinh nghiệm công nghệ, tài chính, nhân sự và có đủ năng lực đầu tư phát triển các sản phẩm, giải pháp, mang knowhow những sản phẩm công nghệ từ nước ngoài để xây dựng những sản phẩm, giải pháp công nghệ của riêng mình cho thị trường Việt Nam và quốc tế.
Các doanh nghiệp Outsourcing trước đây thường xu hướng đầu tư startup trong nội bộ công ty. Thường sẽ xây dựng sản phẩm riêng của mình dựa trên những công nghệ, kiến thức, mô hình kinh doanh đã từng làm cho đối tác. Xu hướng thường tỷ lệ thành công rất thấp. Gần đây, các doanh nghiệp outsourcing bắt đầu thay đổi, đi tìm những Startup có đội ngũ, có mô hình kinh doanh tốt để đầu tư tài chính và công nghệ đặc biệt là những công nghệ mới như AI, Big Data, Blockchain, AR/VR.. cho các sản phẩm, giải pháp của các nhóm Startup. Xu hướng này đang mang đến những cơ hội thành công cao hơn.
Khoá đào tạo “Đầu tư Startup công nghệ số” do Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA), Câu lạc bộ Khởi nghiệp số (VDI) phối hợp với Văn phòng Đề án 844 tổ chức ngày 24-26/09/2021, đã thu hút hơn 30 học viên, gần 1/2 trong đó là những doanh nhân đang sở hữu các doanh nghiệp IT outsourcing đã có tên tuổi như: Kaopiz, Michisoft, Beetsoft, 2NF, Paditech…
Nhận định về xu hướng này, ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch VMCG chia sẻ trong Khoá đào tạo Đầu tư khởi nghiệp số “Các công ty xuất khẩu chuyển sang Startup làm sản phẩm thường gặp khó khăn vì làm sản phẩm cho một doanh nghiệp chưa hẳn đã đáp ứng được cả thị trường, và làm sản phẩm cho doanh nghiệp đó để doanh nghiệp kinh doanh khác với việc mình trở thành nhà kinh doanh. Người làm công nghệ cũng không phải là người làm kinh doanh. Nếu chỉ thuần về công nghệ thì chưa đủ, một Startup cơ bản cần có một Team công nghệ và một Team kinh doanh thì mới trở thành một Business thật sự, đem lại lợi ích cho cổ đông hay các nhà đầu tư. Ngoài việc học công nghệ, học quy trình làm sản phẩm của công ty đang cung cấp dịch vụ Outsourcing ở nước ngoài, khi Startup cần phải học quy trình và mô hình kinh doanh của công ty ấy. Mô hình kinh doanh rất quan trọng, nếu không có thì Startup không thể thành công”.
Tại buổi giao lưu giữa các Quỹ đầu tư, chuyên gia, giảng viên và học viên của Khoá đào tạo, ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch VINASA, Giám đốc Topica Founder Institute (TFI) đã có chia sẻ “Với Startup, yếu tố sản phẩm sẽ chiếm 25-35%, còn lại là mô hình, quá trình vận hành kinh doanh. Doanh nghiệp làm Outsource nên trích ra 3-5% nhân sự, 5-10% vốn để phát triển sản phẩm mới, Team này sẽ chạy độc lập, tách ra ngoài, cần xác định được Milestone. Mô hình này được gọi là Ventures Deals. Các Founder Startup Cần phải xác định Mindset, phải quyết liệt, sẵn sàng cắt bỏ, trao Full quyền cho Team thuộc Ventures Deals; có như vậy mới đảm bảo được yếu tố thành công”.
Bên cạnh đó, ông Trịnh Minh Giang cho biết thêm về một số mô hình Startup công nghệ có khả năng thành công cao hơn: Startup cung cấp giải pháp B2B, SaaS là xu hướng không thể đảo ngược, tuy nhiên để có thể đi ra thị trường toàn cầu, tiếp cận với thị trường lớn hơn, số lượng khách hàng lớn hơn thì cần xây dựng những nền tảng cho khách hàng tự cài đặt, tối ưu hóa theo nhu cầu kiểu như Zoom, Gmail, Facebook….
Trong chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số, làn sóng khởi nghiệp Startup công nghệ đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam. Các doanh nghiệp IT Outsourcing – lực lượng đang chiềm 35% doanh thu của ngành phần mềm Việt Nam, với tiềm lực tài chính, năng lực công nghệ, và kinh nghiệm phát triển sẽ là lực lượng quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.