- 54 đề cử xuất sắc đạt giải từ 26 đơn vị/doanh nghiệp được trao Giải thưởng Thành phố thông minh 2020
[Hà Nội 24/11/2020] Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) hôm nay đã trang trọng tổ chức Lễ Công bố và Trao 54 Giải thưởng Thành phố Thông minh 2020 cho các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị. Năm nay là năm đầu tiên Giải thưởng được tổ chức. Lễ Công bố và Trao Giải thưởng có sự tham dự của Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Trần Văn Tùng, Thứ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thành phố thông minh đang là xu hướng phát triển tất yếu của tất cả các thành phố trên thế giới nhằm tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh an toàn và tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế xã hội.
Chính phủ Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Hiện nay, trong khu vực, Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng thành phố thông minh với 3 trong số 26 thành phố thuộc mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN từ năm 2018, và hiện nay gần 40 địa phương tại Việt Nam đang triển khai xây dựng các thành phố thông minh.
Nhằm hưởng ứng và đồng hành với các chủ trương chính sách của Chính phủ, Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2020 được VINASA tổ chức. Giải thưởng ghi nhận, tôn vinh, cổ vũ các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã và đang có những đóng góp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó Giải thưởng cũng khuyến khích các doanh nghiệp sáng tạo các sản phẩm giải pháp công nghệ tiên tiến, là kênh kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.
Giải thưởng Thành phố thông minh cũng sẽ tạo ra nguồn động lực thúc đẩy các sáng tạo công nghệ song hành cùng các sáng tạo về cơ chế, chính sách giúp các thành phố nhanh chóng trở thành những thành phố có giá trị, có sức sống, sức cạnh tranh, và phát triển bền vững, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Giải thưởng được phát động từ ngày 7/9 và xét trao cho 4 lĩnh vực:
- Nhóm 1: Các đô thị
- Nhóm 2: các dự án Bất động sản
- Nhóm 3: Các Khu công nghiệp
- Nhóm 4: Các giải pháp công nghệ số cho thành phố thông minh
Có 4 bộ tiêu chí được xây dựng để đánh giá riêng cho từng nhóm đối tượng xét Giải.
Sau hơn 1 tháng rưỡi triển khai, Giải thưởng đã nhận được 131 đề cử từ 73 đơn vị/doanh nghiệp tham gia. Sau 3 vòng Sơ tuyển; Thuyết trình và thẩm định thực tế và Bình chọn chung tuyển, ngày 28/10/2020, Hội đồng Bình chọn do Tiến sỹ Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch cùng hơn 23 chuyên gia đã thống nhất và lựa chọn được 54 đề cử từ 26 đơn vị/doanh nghiệp để trao Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2020. Trong đó có:
- 4 Giải thưởng và 3 bằng khen dành cho nhóm các đô thị
- 2 Giải thưởng dành cho nhóm các dự án bất động sản
- 43 Giải thưởng dành cho các giải pháp số cho đô thị, bất động sản và bất động sản công nghiệp thông minh, trong đó có 8 giải pháp xuất sắc được xếp hạng 5 sao
- 5 Giải thưởng xuất sắc nhất sẽ được trao cho: Công ty Cổ Phần FPT, Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu Chính Viễn thông VNPT, Công ty Cổ phần Vinhomes và đặc biệt, Thành phố Đà Nẵng là đô thị duy nhất được trao Giải thưởng danh giá dành cho các đô thị.
Theo thống kê, riêng 43 giải pháp số cho thành phố thông minh từ 22 doanh nghiệp Công nghệ được trao Giải thưởng hôm nay đã có tổng doanh thu trên 1.207 tỉ đồng với tổng số nhân lực là 59.405 người.
Phát biểu tại Lễ trao Giải thương, Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng cho biết: “Thành phố thông minh là sự lựa chọn thông minh duy nhất có thể giúp các thành phố quy hoạch, quản lý, điều hành thành phố hiệu quả, mang lại cuộc sống xanh, tiện ích, thịnh vượng, kết nối cho người dân và là bệ phóng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”.
Theo kế hoạch, các Giải pháp số được trao Giải thưởng Thành phố thông minh 2020 sẽ được Ban Tổ chức gửi thư giới thiệu, kết nối đến các tỉnh, thành phố, các khu đô thị, chủ đầu tư các dự án bất động sản, bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp và đối tác tiềm năng. Các Giải thưởng Thành phố thông minh 2020 sẽ được trưng bày trực tuyến trên website www.smartcitysummit.vn từ nay đến hết tháng 12/2020. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thể kết nối trực tiếp với các đơn vị cung cấp Giải thưởng trực tiếp tại gian hàng này.
HIỆP HỘI PHẦN MỀM VÀ DỊCH VỤ CNTT VIỆT NAM – VINASA
Thông tin thêm mời liên hệ: Cô Hoàng Hồ Khánh Linh, email: linhhhk@vinasa.org.vn; ĐT: 0963094981
Thông tin thêm về 1 số các thành phố, đô thị được trao Giải thưởng và các đánh giá chung về các nhóm lĩnh vực của Giải thưởng.
Nhóm 1: Các Giải thưởng dành cho các thành phố thông minh
1. Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã đạt giải thưởng về Thành phố Điều hành, Quản lý thông minh.
Móng Cái là thành phố có vị trí địa, kinh tế, chính trị chiến lược và đối ngoại đặc biệt quan trọng của quốc gia; Là địa phương duy nhất có chung đường biên giới trên biển, trên bộ, trên sông với Trung Quốc; cầu nối trực tiếp và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN và Đông Bắc Á.
Móng Cái hiện là đô thị loại II và là Khu du lịch Quốc gia đầu tiên của Tỉnh Quảng Ninh, có 2 Quy hoạch chiến lược đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt; nhiều Quy hoạch chức năng, quy hoạch chi tiết và dự án, công trình động lực của Tỉnh đã được duyệt và triển khai xây dựng. Với các lợi thế đó, Móng Cái được UBND Tỉnh triển khai thí điểm Trung tâm điều hành – đô thị thông minh cùng với TP Hạ Long; Trong đó, công tác quản lý, chỉ đạo điều hành có nhiều điểm khác, yêu cầu cao hơn và cần quan tâm hơn so với các đơn vị khác trong tỉnh (Thông tin, dữ liệu của Thành phố và các đơn vị trực thuộc cần được nắm bắt và xử lý nhanh chóng, chính xác kịp thời, đòi hỏi cần phải có một nền tảng số hóa cao; Dữ liệu cần được quản lý tập trung tại Thành phố, giảm thiểu lượng lớn văn bản, tài liệu hằng ngày mà vẫn đảm bảo mọi chỉ đạo được thông suốt và nhanh chóng; Dữ liệu được lưu trữ lâu dài, đưa ra phân tích, tổng hợp kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; Luôn sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các Trung tâm điều hành của Tỉnh và Chính phủ).
Qua thẩm định, Ban tổ chức Chương trình Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2020 nhận thấy, với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ; chính quyền điện tử triển khai tại Móng Cái đã đạt được kết quả tích cực nâng cao hiệu quả công việc và sự hài lòng của người dân. Cùng đó, đội ngũ lãnh đạo có tư duy đổi mới và quyết tâm chính trị trong việc chủ động tham gia cuộc cách mạng CN lần thứ 4, xây dựng Thành phố thông minh và tiến trình chuyển đổi số.
2. Thành phố Đà Nẵng được ghi nhận những thành tựu nổi bật ở nhiều hạng mục: Thành phố Dịch vụ Công thông minh; Thành phố Hạ tầng số thông minh; Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo.
Thành phố Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, đóng vai trò hạt nhân và là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội lớn với vai trò là trung tâm công nghiệp, tài chính, du lịch, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; là đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Đà Nẵng có mục tiêu về xây dựng và phát triển thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị một cách rất bài bản và dài hơi. Theo đó, đến 2030: Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kính tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là mộ trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tê với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo được bảo đảm vững chắc
Thành phố ưu tiên phát triển 05 lĩnh vực mũi nhọn: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị, sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Cùng đó, Thành phố cũng đặt ra tầm nhìn đến 2045 đưa Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mớí sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Từ những tiền đề này, mục tiêu tổng quát thành phố thông minh (TPTM) của Đà Nẵng là thông qua việc ứng dụng các thành tựu CNTT-TT, của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 vào tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; tạo công cụ, phương tiện và động lực mới phục vụ cao năng lực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, khai thác tối ưu nguồn tài nguyên; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích, môi trường sống tốt cho người dân và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình xây dựng TPTM; góp phần đạt được mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại, năng động, sáng tạo, thông minh, phát triển theo hướng kinh tế tri thức; là trung tâm khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng, là trung tâm kinh tế đóng vai trò động lực tăng trưởng và phát triển của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên”.
Cụ thể, đến năm 2020 Sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; Đến năm 2025 Thông minh hóa các ứng dụng; Đến năm 2030 Thông minh hóa ứng dụng cộng đồng. Đồng thời tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Nhóm 2: Giải thưởng dành cho Các Dự án bất động sản thông minh
Chương trình cũng nhận được sự quan tâm từ nhiều đơn vị Bất động sản và chọn được 02 dự án tiêu biểu từ đại diện Hoàng Huy và Vinhomes - là những đơn vị đang triển khai Khu đô thị thông minh.
Hiện nay, Việt Nam đang chứng kiến sự đô thị hóa mạnh mẽ tại các thành phố lớn, sôi động. Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến tăng lên 46% vào năm 2025. Điều này đã đặt ra những giải pháp cấp thiết để có thể cấu trúc phù hợp và hiệu quả trước áp lực mật độ dân cư tại các khu đô thị, đồng thời nâng cao chất lượng trải nghiệm và mức độ tiện ích cho cư dân, Thành phố thông minh là xu hướng tất yếu cho thị trường BĐS. Thực tế Giải thưởng cũng cho thấy, xu hướng này cũng đang tạo được sự thu hút và quan tâm từ các nhà đầu tư với những kết quả đáng ghi nhận trong việc xây dựng những tiện ích đi kèm, tạo ra một môi trường cư trú thân thiện với người dân và một không gian sống xanh sạch. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thấy rõ ràng bóng dáng của một đại đô thị thông minh của thế giới, hầu hết nỗ lực thông minh hóa của các dự án Bất động sản hiện tại vẫn dừng lại ở mức Hạ tầng và Môi trường, các nỗ lực kết nối và xây dựng cộng đồng cư dân thông minh vẫn còn khá mờ nhạt, yếu tố công nghệ vẫn chưa được vận dụng đúng cách và đúng mức, tương lai Thành phố thông minh ở Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để Doanh nghiệp Công nghệ và Bất động sản cùng phối hợp kiến tạo.
Nhóm 3: Giải thưởng dành cho các dự án bất động sản công nghiệp thông minh
Là năm đầu tiên tổ chức, Giải thưởng năm nay chứng kiến sự tham gia khá dè dặt từ các đại diện Khu bất động sản công nghiệp, mặc dù đây là đối tượng rất cần “thông minh hóa”.
Theo như tổ chức cạnh tranh toàn cầu IDM chỉ ra rằng: Chỉ số xếp hạng thành phố thông minh sẽ là tiêu chí quan trọng để thu hút đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao. Công nghệ thông minh đang làm thay đổi nền sản xuất của thế giới, ảnh hưởng đến sự phát triển và cách thức quản lý của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sản xuất trong các khu bất động sản Công nghiệp nói riêng. Công nghệ đang dần trở thành lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn mới, nó xác định mức độ hòa nhập và vị trí, không chỉ của các Khu Công nghiệp, mà cả Việt Nam trong sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối với các khu Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, còn rất nhiều việc để làm nhằm thích ứng và vươn lên trong chuỗi giá trị, và cần nhiều hơn nữa sự chung tay của các Doanh nghiệp công nghệ trong việc tư vấn và định hướng quá trình “thông minh hóa” này.
Nhóm 4: Giải thưởng dành cho các Giải pháp công nghệ số cho thành phố thông minh
Là nhóm nhận được sự quan tâm nhiều nhất, tất cả 20 hạng mục đều có đơn vị tham gia đề cử, điều này phần nào thể hiện mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Công nghệ cho cuộc tăng tốc triển khai Thành phố thông minh. Ngoài ra Hội đồng cũng đã bình chọn ra được 8 sản phẩm, giải pháp 5 sao với tính năng xuất sắc nổi bật đáp ứng các khía cạnh của hệ sinh thái công nghệ cho thành phố thông minh.
Chương trình năm nay diễn ra trong bối cảnh xu hướng thành phố thông minh đang lan tỏa mạnh mẽ khắp thế giới và trở thành giải pháp cấp thiết để đối phó với các vấn đề đô thị hóa, đồng hành là hiệu ứng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang ngày càng thể hiện ảnh hưởng trên mọi lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam đã và đang có những hành động hết sức quyết liệt với những mục tiêu cụ thể. Trong bối cảnh chung ấy các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa những giải pháp và mục tiêu đó.
HIỆP HỘI PHẦN MỀM VÀ DỊCH VỤ CNTT VIỆT NAM