Lễ công bố và Vinh danh TOP 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2022
[Hà Nội 10/09/2022] Hôm nay, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố và Vinh danh TOP 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2022 tại Hà Nội với sự hiện diện của hơn 400 đại biểu. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, và Bộ Khoa học Công nghệ đã tham dự và Trao Chứng nhận, vinh danh các doanh nghiệp.  

 

 Được phát động từ ngày 28/4/2022, sau 2 tháng phát động, chương trình năm nay đã nhận được sự ủng hộ và tham gia đông đảo của các doanh nghiệp với 147 đề cử trong 20 lĩnh vực từ 92 doanh nghiệp. Ngày 23/07/2022, Hội đồng đánh giá do TS. Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông làm Chủ tịch và 25 thành viên Hội đồng gồm các đại diện từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, các trường Đại học, các công ty tư vấn và kiểm toán quốc tế, các chuyên gia CNTT và đại diện các cơ quan báo chí ngành CNTT đã nhất trí lựa chọn 101 đề cử xứng đáng vinh danh Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022 tại 18 lĩnh vực. Theo số liệu thống kê, tổng doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp được vinh danh TOP 10 năm nay đạt 162.333 tỉ đồng, tương đương 7 tỷ USD, chiếm 51% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, với tổng số nhân sự 175.601 người.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA cho biết: “Dù tình hình thế giới phức tạp, tuy nhiên kinh tế Việt Nam lại đang có được bước phát triển rất mạnh mẽ, với các dự đoán tích cực từ tất cả các tổ chức đánh giá quốc tế. Tiến trình chuyển đổi số Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn tăng tốc từ cơ quan, đến doanh nghiệp, người dân, tạo đà cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số đang gánh vác trên vai sứ mệnh, lĩnh ấn tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia cũng đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành Đối tác chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Danh sách các Top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin năm nay phản ánh rất rõ nét về các xu hướng, đặc trưng và hơi thở của ngành. Chương trình Top 10 Doanh nghiệp CNTT từ năm nay cũng được đổi mới với một hình thức thể hiện mới, để không chỉ vinh danh mà còn kể những câu chuyện về nỗ lực, về sáng tạo, về sự chuyển đổi của doanh nghiệp số, và tạo cảm hứng cho sự phát triển triển của các doanh nghiệp không chỉ trong ngành CNTT mà còn cả các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. 04 câu chuyện đặc biệt sẽ được kể từ những lãnh đạo doanh nghiệp truyền cảm hứng trong năm 2022 bao gồm: 1. Sự Dấn thân của doanh nghiệp công nghệ số, từ Rikkeisoft; 2. Tiên phong công nghệ, từ FPT Smart Cloud, 3. Tăng trưởng đột phá, từ TopCV, và 4. Thuyền lớn – sứ mệnh các doanh nghiệp lớn, từ Viettel.”

Những câu chuyện truyền cảm hứng của doanh nghiệp công nghệ số 2022

Câu chuyện số 1: Sự dấn thân của các doanh nghiệp công nghệ số được thể hiện qua  hành trình 10 năm phát triển của Rikkeisoft. Với 10 năm hình thành và lớn mạnh, Từ 5  thành viên sáng lập, sau 10 năm Rikkeisoft đã có 1.500 nhân sự vào tháng 6/2022. Tăng trưởng hàng năm của doanh nghiệp đạt 180%. Rikkeisoft đang dần hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm công nghệ make-in-Việt Nam phục vụ cho thị trường thế giới như: Rikkei.Ai, RikkeiDigital, RikkeiAcademy và RikkeiCaptial. Ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch RikkeiSoft – đại diện thế hệ các chủ doanh nghiệp công nghệ trẻ chia sẻ: “RikkeiSoft đã dấn thân và rất mong muốn các doanh nghiệp công nghệ số 03 điều: 1. Mơ lớn: Cần mơ lớn, dám nghĩ,  dám làm để tự tin vươn ra biển lớn; 2. Hiệp lực: Phải cùng nhau chia sẻ, hiệp lực để tạo nên và lan toả thương hiệu CNTT Việt. Sức mạnh của sự đoàn kết chính là cốt lõi để giải quyết các bài toán bức thiết của quốc gia; 3. Đóng góp cho xã hội: Xây dựng các chương trình thúc đẩy nhân tài Việt vươn tầm thế giới và góp sức chung tay cho các chương trình của xã hội. Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam hãy dấn thân, nhận những trách nhiệm lớn, giải những bài toán khó và chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế của đất nước để nâng tầm giá trị Việt trên thế giới.” RikkeiSoft đại diện cho thế hệ doanh nghiệp công nghệ số  trẻ, năng động, dám mơ ước, dám dấn thân, không chỉ đang nâng tầm giá trị Việt mà còn mang những tri thức, những kinh nghiệm quốc tế về giải các bài toán khó của Việt Nam,  góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Câu chuyện số 2: Tiên phong công nghệ. Đây là câu chuyện của những doanh nghiệp đã  và đang nỗ lực hết mình, đầu tư mạnh mẽ nguồn lực để nghiên cứu, sáng tạo các nền tảng công nghệ tiên phong như AI, Blockchain, Cloud …Những nền tảng công nghệ make in  Việt Nam này sẽ là lõi của các giải pháp số, là chìa khóa để giải các bài toàn chuyển đổi số cho hàng triệu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. FPT Smart Cloud là đại diện tiêu biểu của nhóm doanh nghiệp này. FPT Smart Cloud tự đặt cho mình sứ mệnh biến mọi doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp công nghệ số, bằng đột phá sáng tạo trong công nghệ là Trí tuệ nhân tạo FPT AI và Điện toán đám mây FPT Cloud. FPT AI hiện đang cung cấp hơn 20 dịch vụ AI, đột phá hiệu suất vận hành mang đến lợi ích cho hơn 11 triệu người dùng cuối. FPT Cloud cung cấp hơn 50 dịch vụ từ Hạ tầng Cloud (IaaS), Nền tảng Cloud (PaaS), đến Dịch vụ cloud (SaaS), từ đó tăng tốc hành trình chuyển đổi số với hạ tầng linh hoạt, chi phí tối ưu và bảo mật nâng cao. Doanh thu công ty luôn tăng trưởng 300%/năm. Những nền  tảng công nghệ lõi tiên phong Make in Việt Nam đưa Việt Nam sớm tự cường về công nghệ mới – giúp các doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh, và Việt Nam bắt kịp chuyến tàu CMCN lần thứ 4.

Câu chuyện số 3: Tăng trưởng đột phá. Năm 2022, CEO của Startup công nghệ TopCV được vinh danh trong danh sách Forbes Under 30. Trong thời gian ngắn, nền tảng tuyển  dụng TopCV tăng trưởng đột phá về mọi mặt: lượng hồ sơ tăng lên 6 triệu ứng viên, nhà tuyển dụng tăng lên 170.000 cơ quan, tổ chức, hàng tháng kết nối được >500.000 việc làm. TopCV là tiêu biểu cho doanh nghiệp tận dụng được cả Thế - đại dịch covid khiến cả thế giới phải chuyển đổi số để thích ứng và Lực – nguồn lực công nghệ, nguồn lực con người để tăng trưởng và phát triển đột phá. TopCV cũng là điển hình của một mô hình doanh nghiệp mới, đã chọn đúng hướng đi khi dùng công nghệ để giải quyết những bài toán về nhân lực  và việc làm. Ông Trần Trung Hiếu, đồng Sáng lập và Giám đốc điều hành TopCV cho biết có 03 yếu tố giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và tăng trưởng đột phá: 01. Doanh nghiệp muốn đi nhanh (tăng trưởng đột phá) thì cần ứng dụng công nghệ số. Công nghệ là yếu tố quan trọng nhất ; 02. Phải có sự đầu tư vào con người; 03. Người kiến tạo – nhà sáng lập cần có tư duy để có thể làm mọi thử chỉnh chu nhất, phục vụ khách hàng tốt hơn mỗi ngày.

Câu chuyện số 4: “Thuyền lớn”

Ngành CNTT đã bước sang giai đoạn phát triển mới với trọng tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ mới và Chuyển đổi số toàn diện các hoạt động của nền kinh tế, hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ đã được hoàn thiện với sự đang dạng cả về số lượng, loại hình, đến lĩnh vực phục vụ. Với vai trò Xung kích chuyển đổi số, những con “thuyền lớn” trong ngành CNTT khẳng định việc đồng hành cùng Chính phủ, xác định kinh doanh  không phải chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận, còn sự đóng góp công sức, phụng sự tổ quốc. Tập đoàn Viettel – Một trong những “Con thuyền lớn” nhất của ngành CNTT đã đặt cho mình Sứ mệnh TIÊN PHONG, CHỦ LỰC KIẾN TẠO XÃ HỘI SỐ. Với hạ tầng số lớn nhất Việt Nam, Viettel đã phát triển hệ sinh thái với nhiều giải pháp công nghệ, nền  tảng số phục vụ cho Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, hướng tới sự phát triển bền vững của quốc gia. Tập đoàn cũng đã nghiên cứu phát triển và làm chủ những công nghệ mới; Hoàn thiện 6 lĩnh vực nền tảng trong xã hội số gồm: Hạ tầng số, giải pháp số, tài  chính số, nội dung số, an ninh mạng và công nghiệp công nghệ cao. Viettel e-Cabinet - hệ thống hỗ trợ xử lý toàn trình công việc của Chính phủ, Giải pháp Trung tâm Điều hành Thông minh cho chính quyền địa phương đang được vận hành tại hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Với triết lý “Cộng hưởng tạo nên giá trị khác biệt”, để giải các bài toán lớn, cạnh tranh công nghệ ở trên thị trường thế giới đang ngày một trở nên mạnh hơn tạo nên những cơn sóng dữ dội, đòi hỏi những chiếc thuyền lớn của ngành CNTT cần có sự đoàn kết, cộng hưởng bằng cách đồng hành cùng nhau trong công cuộc phụng sự tổ quốc, cùng với chính phủ giải các bài toán lớn cho quốc gia, đồng thời, đưa ra các định hướng, dẫn dắt sự phát triển của ngành và hỗ trợ các doanh nghiệp trong cộng đồng cùng phát triển. Những “Con thuyền lớn” cũng sẽ là nhân tố dẫn dắt, đầu tư và thúc đẩy những “Con thuyền” mới ra khơi – các startup công nghệ để Việt Nam sẽ ngày một sáng hơn trên bản đồ công nghệ thế giới.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức Top 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022, đã quyết định thành lập, lựa chọn và trao chứng nhận Doanh nghiệp CNTT nghìn tỷ cho những doanh nghiệp lớn có doanh thu từ 1.000 tỷ VNĐ trở lên. Hoạt động của CLB sẽ hướng  tới: cùng chung tay đồng hành cùng chính phủ giải các bài toán lớn cho quốc gia; Định hướng, dẫn dắt sự phát triển của ngành và hỗ trợ dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ số cùng phát triển; và đầu tư, thúc đẩy startup công nghệ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực. 15 Doanh nghiệp công nghệ số năm 2022 đã được lựa chọn và vinh danh trong hạng mục này.

 

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ: “Công cuộc chuyển đổi số là của toàn dân. Tinh thần doanh nhân công nghệ số (technopreneur) lan tỏa trong toàn dân là động lực thúc đẩy sự tham gia của toàn dân vào công cuộc chuyển đổi số nhận lấy một nhiệm vụ cụ thể. Chính phủ hành động bằng cách lựa chọn ra các nền tảng tốt, sử dụng bộ máy tuyên truyền để lan tỏa, phổ biến, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc các mô hình tốt, các câu chuyện thành công.

Sau Lễ Vinh danh hôm nay, Danh sách và ấn phẩm giới thiệu TOP 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022 sẽ tiếp tục được VINASA giới thiệu đến các cơ quan của Chính phủ, bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố, và trên 5000 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT lớn trên toàn quốc; các doanh nghiệp, hiệp hội, thương vụ, tổ chức xúc tiến thương mại tại 100 quốc gia và nền kinh tế trong mạng lưới hợp tác quốc tế của VINASA;

Danh sách TOP 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022, các ấn phẩm giới thiệu TOP 10 DN CNTT Việt Nam 2022 bằng 3 ngôn ngữ Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Nhật sẽ được download miễn phí trên website của chương trình tại www.top10ict.com và website của VINASA tại www.vinasa.org.vn.

Mọi thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:

Cán bộ truyền thông: Ms. Nguyễn Phương Anh, 0964 915 216, anhnp@vinasa.org.vn, Web: https://top10ict.com  | https://vinasa.org.vn

- HIỆP HỘI PHẦN MỀM VÀ DỊCH VỤ CNTT VIỆT NAM -

Thông tin thêm:

Chương trình TOP 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam được tổ chức lần đầu năm 2014 với tên gọi: Chương trình 50 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam”. Năm 2020, Chương trình được đổi tên thành: “TOP 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam”.

Chương trình gồm 3 hoạt động:

1.  Bình chọn TOP 10 doanh nghiệp trong các lĩnh vực trọng điểm của ngành CNTT

2.  Thực hiện ấn phẩm giới thiệu TOP 10 doanh nghiệp được lựa chọn

3.  Thực hiện giới thiệu danh sách, ấn phẩm, kết nối hợp tác đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước.

Trải qua 8 năm tổ chức, Chương trình đã lựa chọn, vinh danh 570 lượt doanh nghiệp, phát hành 26 ấn phẩm bằng 3 ngôn ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Việt, Tiếng  Nhật. Hàng năm danh  sách và ấn phẩm giới thiệu các doanh nghiệp được lựa chọn được gửi tới hơn 5000 cơ  quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong nước, mạng lưới tổ chức CNTT, xúc tiến thương mại và hợp tác tại 100 quốc gia và nền kinh tế trong mạng lưới hợp tác quốc tế của VINASA, mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp được lựa chọn trong chương trình.

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT