Giải pháp giao thông thông minh cần xuất phát từ ‘nỗi đau’ của thành phố
Nhận định công nghệ đã sẵn sàng cho phát triển đô thị thông minh, bao gồm giao thông thông minh, chuyên gia Intel Việt Nam nhấn mạnh: Việc quan trọng của các thành phố là xác định những nỗi đau, thách thức để dùng công nghệ giải quyết.

Công nghệ đã sẵn sàng cho phát triển giao thông thông minh

Ngày 3/12, hội thảo chuyên đề "Di chuyển xanh thông minh cho đô thị thông minh phát triển bền vững" đã được VINASA và Sở TT&TT Hà Nội phối hợp tổ chức. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 có chủ đề “Đô thị Thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững”.

Trao đổi tại hội thảo, qua chia sẻ trải nghiệm của bản thân khi tham gia giao thông tại Hà Nội cũng như điểm ra thành tựu của thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) trong ứng dụng công nghệ vào quản lý phương tiện di chuyển và dừng đỗ, ông Nguyễn Đức Quế, Giám đốc Kinh doanh kênh đối tác của Intel khẳng định: Công nghệ đang đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh, phát triển giao thông thông minh.

Ông Nguyễn Đức Quế phân tích, trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, sự gia tăng các phương tiện di chuyển đặt ra áp lực rất lớn cho các hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Số phương tiện tham gia giao thông trên toàn cầu dự kiến đạt 2 tỷ vào năm 2050. Tại Việt Nam, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2024, đã có 16.000 vụ tai nạn giao thông, khiến khoảng 7.000 người chết và hơn 13.000 người bị thương. Đây là những con số gây ra hệ lụy lớn cho xã hội.

“Các đô thị có thể kiểm soát tình hình nêu trên thông qua hệ thống giao thông thông minh. Hiện công nghệ đã rất sẵn sàng, hoàn toàn có thể sử dụng được ngay cho việc phát triển các giải pháp đáp ứng nhu cầu xây dựng thành phố thông minh, bao gồm cả di chuyển thông minh”, ông Nguyễn Đức Quế chia sẻ.

W-giao thong thong minh 1.jpg
Chuyên gia khuyến nghị, các mục tiêu và chiến lược xây dựng thành phố thông minh, giao thông thông minh cần xuất phát từ nhu cầu và thực tế của từng đô thị. Ảnh minh họa: Chí Hiếu

Từ kinh nghiệm cung cấp giải pháp tại các đô thị trên toàn cầu, ông Quế lưu ý, mỗi thành phố đều cần có chiến lược riêng về thành phố thông minh. Những giải pháp công nghệ cho thành phố thông minh, bao gồm giao thông thông minh phải xuất phát từ chính "nỗi đau", thách thức và thực tiễn của địa phương đó.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết: “Đề án giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội” đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở đánh giá thực trạng giao thông của thành phố. Ba mục tiêu hướng tới của đề án là quản lý, khai thác hạ tầng giao thông hiệu quả; ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực quản lý; bảo đảm an toàn giao thông và văn hóa giao thông.

3 giai đoạn trong lộ trình phát triển giao thông thông minh Hà Nội

“Đề án giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội” đã được HĐND thành phố khóa XVI thông qua ngày 19/11. Theo ông Đỗ Việt Hải, trên cơ sở đánh giá thực tiễn của Hà Nội kết hợp tham vấn ý kiến VNPT, Viettel và FPT, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất lộ trình phát triển hệ thống giao thông thông minh của Thủ đô với 3 giai đoạn.

W-giao thong thong minh 1 1.jpg
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, để triển khai nhanh chóng hệ thống giao thông thông minh, Hà Nội sẽ áp dụng phương thức thuê dịch vụ CNTT. Ảnh: Vũ Thảo

Trong đó, ở giai đoạn đầu tiên từ 2025 – 2027, Hà Nội tập trung xây dựng Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thông minh, tích hợp đảm bảo các nền tảng dùng chung, kết nối các nguồn dữ liệu giao thông, thực hiện 9/12 chức năng chính. 

Chín chức năng được cung cấp ở giai đoạn 1 gồm: Giám sát giao thông, cung cấp thông tin giao thông, điều khiển giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, quản lý giao thông công cộng, quản lý đỗ xe, quản lý sự cố, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng. 

Cùng thảo luận về chủ đề “Xe điện, xe tự hành: Thực trạng, cơ hội và thách thức” tại hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất rằng mục tiêu của việc ứng dụng các công nghệ mới vẫn luôn là làm sao để con người thuận tiện, hạnh phúc hơn.

W-giao thong thong minh 3 1.jpg
Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc thương mại của Phenikaa-X chia sẻ quan điểm tại tọa đàm “Xe điện, xe tự hành: Thực trạng, cơ hội và thách thức”. Ảnh: Vũ Thảo

Chia sẻ quan điểm về yếu tố để các công nghệ giao thông xanh, thông minh sớm đi vào cuộc sống, ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc thương mại của Phenikaa-X nhấn mạnh đến vai trò dẫn dắt, đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ.

Trong khi đó, ông Lê Quang Vịnh, phụ trách dự án xe bus thông minh của Advantech Việt Nam, cho rằng muốn triển khai nhanh các giải pháp công nghệ mới như xe tự hành, cần có sự tham gia quyết liệt của khối doanh nghiệp tư nhân.

Nhấn mạnh từ khóa “ý thức”, chuyên gia Intel phân tích: Các giải pháp công nghệ rất quan trọng nhưng chỉ có tác dụng hỗ trợ con người. Thực tế, nhiều công nghệ hữu ích đã được ứng dụng, song đơn vị triển khai nhiều khi vẫn ‘giật mình thon thót’ khi lái xe phóng nhanh vượt ẩu, không tuân thủ luật giao thông. “Việc xây dựng thành phố thông minh, phát triển giao thông thông minh không đơn thuần là áp dụng công nghệ, mà còn cần phát triển con người thông minh”, ông Nguyễn Đức Quế nêu quan điểm.

Theo Vietnamnet

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT