Giai đoạn 2018-2020: VINASA sẽ tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số
Đây là một trong những nội dung chính được đưa ra tại Hội nghị Ban chấp hành VINASA và Gặp gỡ hội viên đầu xuân 2018, diễn ra sáng nay (15/3) tại Hà Nội.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Thu Giang - Tổng thư ký VINASA đã đại diện Hiệp hội trình bày Báo cáo chính, điểm lại những hoạt động chính trong năm 2017 của VINASA cũng như những mục tiêu trọng tâm đặt ra trong giai đoạn tới, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động nhiều mặt của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mà hạt nhân của nó là Cuộc cách mạng Số.
Báo cáo cho biết: Nhìn chung, ngành Công nghiệp CNTT Việt Nam vẫn đang duy trì tốc độ phát triển nhanh. Trong giai đoạn từ 2009 – 2016, tổng doanh thu ngành CNTT đã tăng hơn 10 lần, từ mức 6.167 triệu USD năm 2009 lên mức 67.693 triệu USD năm 2016. Sự gia tăng nhanh chóng về doanh thu theo thời gian có thể quan sát thấy ở tất cả các lĩnh vực trong ngành Công nghiệp CNTT: phần cứng, phần mềm và nội dung số, nhưng gia tăng đặc biệt nhanh ở lĩnh vực phần cứng.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Tổng thư ký VINASA - đại diện Hiệp hội trình bày Báo cáo chính
Theo VINASA, sự tăng trưởng đặc biệt về doanh thu các ngành CNTT trong năm 2015 - 2016 có sự đóng góp đáng kể của mảng dịch vụ CNTT, với doanh thu năm 2015 là 4.453 triệu USD và năm 2016 tăng lên 5.078 triệu USD, tăng 14%. Đáng chú ý là tốc độ gia tăng doanh thu ở tất cả các lĩnh vực phần cứng, phần mềm, nội dung số và dịch vụ đều ở mức cao. Riêng năm 2016 so với 2015, tốc độ gia tăng đều trên 10% (hai con số), điều rất hiếm có ngành kinh tế nào có thể đạt được: Tốc độ lĩnh vực phần mềm tăng cao nhất (16,8%), tiếp đến là Công nghiệp Nội dung (15,83%), dịch vụ CNTT (14,04%) và cuối cùng là phần cứng (10,97%).
Tại Việt Nam, số các doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp CNTT cũng gia tăng mạnh mẽ, năm 2016 tăng 1.290 doanh nghiệp so với năm 2015. Cùng đó, Việt Nam ngày càng nổi lên là một điểm đến hấp dẫn trong việc gia công phần mềm và cung cấp các dịch vụ thuê ngoài (ASOCIO 2017; British Business Group Vietnam (BBGV) 2016). Thị trường gia công xuất khẩu phần mềm chính của Việt Nam là Nhật Bản, Bắc Mỹ và Châu Âu.
Theo ông Lữ Thành Long - Phó chủ tịch VINASA, trong giai đoạn 2018-2020, VINASA sẽ tập trung mạnh mẽ vào thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam
Bổ sung thêm vào những con số này, ông Lữ Thành Long - Phó chủ tịch VINASA - cho biết: Mặc dù năm 2017 vừa qua, trên thế giới đã diễn ra nhiều biến động lớn về kinh tế và công nghệ, dẫn đến sự "xáo trộn" trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.. nhưng ngành CNTT Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá tốt. Theo ước tính của Văn phòng VINASA, toàn ngành ước tính đạt khoảng 15%, trong đó riêng lĩnh vực xuất khẩu phần mềm trong năm 2017 vừa qua vẫn có được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, khoảng từ 25 - 30%.
Cũng trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, thị trường Nhật Bản tăng trưởng rất lớn. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho đến năm 2030, nhu cầu về thuê nhân lực CNTT, nhân lực công nghệ cao của nước này rất lớn, cần cỡ 600.000 nhân lực. Đây là hướng mà các hội viên VINASA có thể khai thác tiếp trong thời gian tới.
Đề cập đến hoạt động của các hội viên VINASA trong năm 2017, ông Long điểm lại thành tích ấn tượng của FPT Software với hợp đồng trị giá 100 triệu USD với tập đoàn năng lượng châu Âu. Đây là hợp đồng lớn nhất trong các doanh nghiệp CNTT Việt Nam có được.
“Trong các hội viên tăng trưởng ấn tượng, từ một doanh nghiệp nhỏ là Công ty VP9 đã đạt mức tăng trưởng hơn 500%. Đây là doanh nghiệp CNTT làm về công nghệ IoT, camera rất ấn tượng. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp hội viên khác của VINASA cũng đạt tăng trưởng tốt. Chẳng hạn, Công ty MISA cũng đã tăng trưởng 50% trong năm 2017", ông Long nói.
Đại diện Hiệp hội chia sẻ về định hướng chung của VINASA trong 3 năm tới, ông Lữ Thành Long cho biết: Giai đoạn 2018-2020, VINASA muốn thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số, đồng hành cùng các doanh nghiệp hội viên nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung đối phó với những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam nói chung và Hiệp hội VINASA nói riêng xác định sứ mệnh là phải tự đặt mình vào trách nhiệm giúp cho không chỉ các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam chuyển đổi số thành công, bắt kịp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn phải có trách nhiệm thúc đẩy các bộ, ngành tham gia vào công cuộc này.
Theo NSS