Đưa Hà Nội thành hình mẫu về hợp tác phát triển công nghiệp công nghệ số
Hà Nội góp 10% doanh thu toàn ngành công nghiệp CNTT
Ngày 27/6, Sở TT&TT Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai ‘Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025’.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhận xét, những năm qua, Hà Nội và các địa phương trên cả nước đã có những đóng góp lớn để công nghiệp công nghệ số Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những ngành kinh tế có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển chung của đất nước. Năm 2023, công nghiệp công nghệ số đã đóng góp hơn 6,5% GDP.
Luôn là địa phương nằm trong nhóm đầu cả nước về công nghiệp CNTT, công nghệ số, năm 2023, Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về doanh thu lĩnh vực, đạt mốc 327.000 tỷ đồng (khoảng 13 tỷ USD), tương ứng 10% doanh thu của toàn ngành công nghiệp CNTT cả nước.
Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về công nghiệp phần mềm và đứng đầu cả nước về doanh thu dịch vụ CNTT; có hơn 7.300 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động trên địa bàn, đứng thứ 2 cả nước. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên cho phép Sở TT&TT thành lập Phòng Công nghiệp CNTT.
“Việc này thể hiện sự đổi mới tư duy của lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo Sở TT&TT và cũng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, CNTT ở Thủ đô”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhận xét.
Nhận định Việt Nam đang đứng trước các cơ hội để trở thành nước có nền công nghiệp công nghệ số hàng đầu khu vực và thế giới, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương khuyến nghị Hà Nội tận dụng cơ hội này để phát triển đột phá, dẫn dắt cả nước trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội nhấn mạnh: Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng để hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại. Thành phố Hà Nội đã xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế số ICT Thủ đô.
Việc ban hành 'Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025' chính sự cụ thể hóa, xác định rõ nội dung nhiệm vụ, giải pháp phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã được nêu tại Chỉ thị 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về 'Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam'.
Thông tin về những điểm nổi bật của kế hoạch với các đại biểu dự hội nghị, ông Nguyễn Anh Việt, Trưởng phòng Công nghiệp CNTT (Sở TT&TT Hà Nội) cho biết, ba nhóm chỉ tiêu chính của kế hoạch gồm: Phát triển 10.000 doanh nghiệp công nghệ số; hình thành 10 nhóm sản phẩm công nghệ số là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố; ươm tạo được 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số có khả năng cung cấp ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của Thủ đô.
Kế hoạch cũng đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung và 17 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sẽ được tập trung triển khai thời gian tới để phát triển doanh nghiệp công nghệ số của Hà Nội.
"Hà Nội có nhiều bài toán cần các doanh nghiệp công nghệ số tham gia"
Trong khuôn khổ hội nghị, chương trình phối hợp công tác quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT giai đoạn 2024 - 2025 giữa Sở TT&TT Hà Nội và Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã được ký kết. Ba nội dung chính của chương trình này là: Phối hợp trong xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp phát triển khu CNTT tập trung và sản phẩm, giải pháp CNTT, công nghệ số; phối hợp trong các hoạt động chia sẻ thông tin và nâng cao trình độ nghiêp vụ, chuyên môn.
Sở TT&TT Hà Nội cũng đã ký kết ‘Bản ghi nhớ hợp tác về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024 – 2025’ với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA); ‘Kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp về việc thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024’ với Hội Tin học - Viễn thông Hà Nội; ‘Bản ghi nhớ hợp tác phát triển doanh nghiệp công nghệ số và đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2024 – 2025’ với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, Trung tâm Đào tạo, tư vấn CNTT và Truyền thông Hà Nội thuộc Sở TT&TT cũng đã ký kết ‘Chương trình phối hợp phát triển vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội giai đoạn 2024 - 2025' với VINASA, MISA, Công ty quản lý quỹ Weangles để triển khai các nhiệm vụ được UBND Thành phố giao cho vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội.
Đánh giá hoạt động ký kết hợp tác của Sở TT&TT với các đơn vị là hoạt động quan trọng ý nghĩa, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng tin rằng đây là hình mẫu của cả nước về sự hợp tác giữa các bên liên quan để thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT, công nghệ số.
Khẳng định Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng cho biết: Bộ TT&TT giao Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông là đầu mối phối hợp cùng Hà Nội triển khai các nội dung thỏa thuận hợp tác.
Thứ trưởng đề nghị Sở TT&TT Hà Nội tham mưu lãnh đạo UBND thành phố quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho việc triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác thu hút các dự án đầu tư của các tập đoàn công nghệ nước ngoài.
Các hội, hiệp hội và các doanh nghiệp CNTT, công nghệ số trên địa bàn Hà Nội được đề nghị chủ động, tích cực đề xuất các giải pháp đột phá để giúp thành phố đi đầu trong phát triển công nghiệp CNTT, công nghệ số.
Ở góc độ hiệp hội, Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa mong muốn Hà Nội sẽ như một ‘bà đỡ’ của các doanh nghiệp công nghệ số, gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên địa bàn để thúc đẩy 3 lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số - chuyển đổi xanh. Cho biết các doanh nghiệp thành viên VINASA sẽ tập trung đầu tư các nền tảng, giải pháp phục vụ kinh tế số và xã hội số, ông Khoa kiến nghị Hà Nội đặt hàng, chọn sử dụng các nền tảng công nghệ số tốt của các doanh nghiệp trong nước.
Trước đề xuất của VINASA, ông Nguyễn Việt Hùng khẳng định Hà Nội luôn là khách hàng lớn của các doanh nghiệp công nghệ, đồng thời cho biết Thành phố có rất nhiều bài toán về chính quyền số, công dân số, xã hội số, kinh tế số mà các doanh nghiệp có thể tham gia, cung cấp sản phẩm, giải pháp để giải quyết.
Theo Vietnamnet