VINASA liên kết hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương
Thị trường khởi nghiệp Việt Nam hình thành muộn hơn so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên những năm vừa qua, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã dần hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự hỗ trợ của các quỹ, nhà đầu tư, vườn ươm, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp…

Việt Nam là một trong những quốc gia khuyến khích phát triển khởi nghiệp mạnh mẽ. Từ Chính phủ đến các bộ, ban ngành đều phát động tinh thần khởi nghiệp. Nhờ vào sự liên kết, hỗ trợ của các quỹ, nhà đầu tư, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp địa phương đã tạo nên không ít cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành và phát triển. Phát biểu trong Hội nghị “Kết nối đầu tư giữa các Startup ICT của Việt Nam với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước” diễn ra vào ngày 30/06/2022 tại Hà Nội, Ông Bùi Thành Đô, Founding Partner & CEO, ThinkZone nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về các chính sách dành riêng cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp và đầu tư khởi nghiệp. Điều này tạo cơ hội để những nhà hoạt động đầu tư khởi nghiệp có cơ sở chính sách mở, không đi theo các hành lang pháp lý cứng nhắc. Trong 10 năm qua thị trường khởi nghiệp Việt Nam đã phát triển không ngừng, với thị trường đầy tiềm năng sắp tới, chúng ta không chỉ có sự liên kết hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương trong nước mà còn có sự liên kết giữa các địa phương trên khắp thế giới. 

Các nhà đầu tư đều mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam vì Việt Nam đang là một trong những đất nước tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á. Khởi nghiệp tại Việt Nam đang nhanh chóng bứt phá mạnh mẽ. Hiện tại, Việt Nam đang có những dấu hiệu khá giống với Trung Quốc của 11 năm trước và Indonesia 6 năm trước, với niềm tin đây sẽ là giai đoạn cách mạng của cuộc tăng trưởng. Thị trường Việt Nam cũng được dự báo tăng trưởng khoảng 11 lần về nền kinh tế Internet và công nghệ từ nay đến năm 2030. Với tốc độ tăng trưởng này, dẫn đến nền kinh tế Việt Nam sẽ chiếm phần lớn là công nghệ. Đây là cơ hội để các địa phương hướng đến việc sử dụng nguồn lực của mình để thay đổi về hỗ trợ đầu tư và thay đổi các chiến lược đầu tư trong nền kinh tế từ Nhà nước, tư nhân. “Chúng ta cũng biết Việt Nam đã có chính sách trích 3% lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn nhà nước cho việc hỗ trợ đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đến bây giờ hàng chục tỷ đô vẫn đang nằm ở đó”, Ông Bùi Thành Đô, Founding Partner & CEO, ThinkZone cho biết.

Là một quốc gia có tỷ lệ dân số đông khoảng 100 triệu dân, trong đó đa phần là dân số trẻ với 70% tuổi lao động. Cơ cấu dân số trẻ dẫn đến việc dễ dàng thích nghi với các loại hình kinh doanh, dịch vụ mới. Tạo cơ hội cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển, cơ hội cho các startups phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp mới lạ. Bên cạnh đó, tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam khá cao, nằm trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất trên thế giới. Trung bình một người Việt hiện nay đang sử dụng Internet 6-7 tiếng/ngày. Với sự bùng nổ của internet, sự gia tăng các thiết bị như điện thoại thông minh đã mở rộng khả năng tiếp cận của người dùng với các kênh bán hàng trực tuyến để mua hàng hóa. Đây tiếp tục là cơ hội để startups tiếp cận bán hàng, phổ biến dịch vụ của mình thông qua các loại hình Online Marketing. Ngoài ra, Việt Nam có tỉ lệ người dân đang sở hữu smartphone cao. Điều này dễ dàng để các startups phát triển các ứng dụng trên Apple store hay Google play. Một trong những triết lý hoạt động của ThinkZone đó là đầu tư và hỗ trợ, tạo ra những giá trị cộng hưởng từ các nguồn lực sẵn có. Hướng đến những startups có đội ngũ founder, có đam mê và tầm nhìn, mong muốn tạo ra các tác động lớn cho xã hội. “Nếu chúng ta tạo ra được các tác động lớn cho xã hội, chúng ta sẽ tạo ra giá trị và tạo ra tiền bạc” – Ông Đô chia sẻ.

Đa phần các công ty khởi nghiệp Việt Nam đang còn mới và ở giai đoạn sớm. Giai đoạn này họ cần sự hỗ trợ về nguồn vốn, hệ sinh thái và các chính sách từ nhà nước. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và địa phương. Vì không ai am hiểu thị trường, am hiểu con người và chính sách ngoài họ. Ông Đô khẳng định rằng: “Nếu các nhà đầu tư ươm mầm cho các công ty startups tốt thì nguồn lực đầu tư vào các giai đoạn $5M - $10M hay cả $100M đang sẵn sàng. Rất nhiều các quỹ đầu tư nước ngoài đang tìm đến Việt Nam, họ thành lập văn phòng đại diện, tìm các chuyên gia phụ trách thị trường Việt Nam. Thậm chí, có rất nhiều  quỹ đã đến gặp Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ để trao đổi về hỗ trợ ưu đãi thuế, ưu đãi về quy trình đầu tư. Chúng ta sẽ được hưởng các quyền lợi nếu chúng ta phát triển được”.

Theo Bà Thạch Lê Anh, người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley: “Trước đây chúng ta ít nói về vai trò của nhà đầu tư, chúng ta hay nói đến startups, khởi nghiệp như thế nào để thành công. Điều đó dẫn đến suy nghĩ nghiễm nhiên rằng Việt Nam đã có Nhà đầu tư rồi. Nhưng thực tế ở Việt Nam chúng ta không hề có một cộng đồng nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho startup. Ở đâu có cộng đồng nhà đầu tư mạnh mẽ, ở đó chắc chắn có startup. Việt Nam không phải là một quốc gia lớn, cũng không phải là một quốc gia mạnh về khởi nghiệp nhưng chúng ta có thể tự tin ở bất kỳ đâu nếu như chúng ta có cộng đồng nhà đầu tư đủ mạnh”.

Có thể nói, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt sự tham gia của Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Bình Dương trong Hội nghị “Kết nối và thúc đẩy đầu tư Startup Công nghệ” vào ngày 30/06/2022 do VINASA tổ chức đã và đang góp phần giúp hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, giai đoạn tới, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhằm huy động các nguồn lực từ khu vực nhà nước lẫn khu vực tư nhân, trong nước và nước ngoài, tăng cường liên kết và phối hợp hiệu quả giữa các chủ thể trong hệ sinh thái.

 

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT