Góc nhìn từ Startup Công nghệ Blockchain về gọi vốn đầu tư
27/05/2022 22:37
Blockchain là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi cho đa lĩnh vực và cũng được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên trong thực tế, start-up công nghệ Blockchain ở Việt Nam có tỉ lệ thành công chưa cao, ngay cả khi được nâng đỡ bởi nhiều quỹ đầu tư lớn. Chính vì thế, Ông Trần Hữu Tuấn, Founder & CEO, Area53Network đã có những phát biểu chia sẻ góc nhìn từ Startup công nghệ Blockchain về gọi vốn đầu tư tại hội nghị Thực trạng và nhu cầu đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ICT.
Hội nghị Thực trạng và nhu cầu đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ICT được tổ chức bởi các đơn vị VINASA, Câu lạc bộ VDI, Văn phòng 844 - Bộ Khoa học & Công nghệ vào ngày 26/05/2022 vừa qua. Chương trình đặc biệt dành cho tất cả các Startup công nghệ tiên phong (AI, Blockchain…) với sự tham dự của các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, đơn vị xây dựng chính sách khởi nghiệp ĐMST, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Xuyên suốt hội nghị, có các diễn giả, đại diện quỹ đầu tư cũng như các đại diện Startup trao đổi xoay quanh thực trạng Đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam, xu hướng đầu tư Khởi nghiệp tại Việt Nam, xu hướng đầu tư & phát triển công nghệ chuỗi khối (Blockchain).
Nhận thấy Blockchain là một trong những công nghệ phát triển nhanh nhất trong số các công ty khởi nghiệp toàn cầu. Cơ hội đầu tư vào các Startup công nghệ Blockchain rất cao, đặc biệt tăng mạnh trong vòng 2 năm qua. Được kỳ vọng và có cơ hội đầu tư từ các quỹ đầu tư lớn như vậy, tuy nhiên nếu chỉ có công nghệ, sản phẩm tốt hay có vốn đầu tư là chưa đủ mà cần kết hợp nhiều yếu tố khác. Chia sẻ về quá trình phát triển và trải nghiệm thực tế của một Founder Startup, Ông Trần Hữu Tuấn, Founder & CEO, Area53Network chia sẻ: “Để dự án Area53 được tiếp cận đến các quỹ đầu tư cũng phải trải qua một thời gian rất dài từ tháng 8 năm 2021. Lúc đó thị trường đi lên nên cũng khá dễ dàng. Ở vị thế đó để gọi vốn thì cũng dễ thôi, nhưng nhìn nhận lại sau khi phát hành thì sẽ chỉ thu về lại một ít cho team và Founder, không đi được đường dài. Chính vì thế, team Founder chúng tôi quyết định phải phát triển chỉn chu, đầu tư hơn về đồ hoạ, về con người, về team và có lộ trình dài hơn.”
Ngoài ra, Ông Tuấn còn chia sẻ thêm để hướng đến thoát ra khỏi Zero Sum, Area53 sẽ kết hợp với các thương hiệu truyền thống, cho người dùng vào hệ sinh thái game chơi và đổi ra các Voucher NFT, từ những voucher đó người dùng có thể đổi ra các sản phẩm thực tế, cầm nắm được. Về bản chất nếu không thoát khỏi Zero Sum thì game nào phát hành cũng sẽ thoái trào và lại bỏ đi làm sản phẩm mới.
Về bản chất trong Blockchain, trong Game-Fi có chữ “Fi” bởi vì thường tất cả các game phát hành, 80% đều là Finance, 20% còn lại chỉ là câu chuyện. Khi các Startups bước vào deal up một dự án, team nên chú ý hơn về phần Finance (mô hình tài chính của game) và làm sao để mô hình tài chính này bền vững. Dưới góc nhìn của ông Tuấn: “Thật sự các team Founder nên chọn ra một hướng có thể liên kết với các thương hiệu truyền thống và thoát ra khỏi ZeroSum. Nên chú trọng về phát triển sản phẩm và mô hình tài chính trong game.” Đó là những kinh nghiệm thực chiến của một Founder Startup để đưa ra sản phẩm với hi vọng chia sẻ một phần nhỏ với các Startup trong tương lai, tạo ra những bứt phá mạnh mẽ và thành công hơn nữa.
VINASA