Kiến nghị chính sách đầu tư khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực ICT
Ngày 26/05/2022, tại Hội nghị “Thực trạng và nhu cầu đầu tư khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ICT”, các Startups có cơ hội nắm bắt được các xu hướng đầu tư của các Quỹ đầu tư trong nước và Quốc tế, tiếp cận cơ hội xúc tiến đầu tư từ các Quỹ đầu tư. Bên cạnh đó, các diễn giả sẽ đưa ra các kiến nghị chính sách về đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam.

Đứng dưới góc độ là công ty đầu tư vào các Startups, Ông Trịnh Minh Giang, CEO VTI Cloud, Chief Consultant VMCG đã có những chia sẻ trải nghiệm thực tế để hỗ trợ thông tin cho Startup cũng như khởi nghiệp ĐMST Việt Nam tại phiên Hội nghị Thực trạng và nhu cầu đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ICT. 

Trước khi đưa ra những kiến nghị đề xuất về các chính sách đầu tư khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực ICT, là người từng có kinh nghiệp thành lập rất nhiều công ty tại Singapore, ông Giang nhận thấy có rất nhiều lợi thế khi thành lập công ty tại đất nước này. Đầu tiên, thuế thu nhập doanh nghiệp ở Singapore là 17%, trong khi ở Việt Nam là 20%, chênh lệch 3% nhưng đối với các doanh nghiệp lớn thì đó là con số nhiều. Nhưng điều mấu chốt theo ông Giang là Singapore có nhiều nguồn funding từ các tổ chức chính phủ. “Một trong những tác nhân khiến chúng tôi đi Singapore rất nhiều đó là nhiều incubator, accelerator, chính vì thế các hoạt động networking của họ rất mạnh mẽ, và thông qua những hoạt động networking đó dù chưa phải là startup thì chúng tôi cũng đã có thể tiếp cận rất nhiều khách hàng, đối tác.” Ngoài ra còn những hỗ trợ nhỏ khác nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến các startup đó là tài trợ 40-100% chi phí mua các thiết bị văn phòng, ở Việt Nam chưa có những hỗ trợ này. Những chi phí thuê tư vấn cũng được chính phủ Singapore tài trợ và rất nhiều chuỗi hoạt động kết nối quốc tế có thể kết nối với đối tác. Đặc biệt là việc hỗ trợ cho các công ty công nghệ đăng ký sở hữu trí tuệ ở góc độ toàn cầu.

Bên cạnh đó, Singapore là một trong những thị trường Châu Á nhanh nhẹn cho phép SPAC, tiếp cận tương tự Mỹ. “Vậy tôi đặt ra một câu hỏi tại sao chúng ta không đi đầu ở một lĩnh vực nào đó. SPAC sẽ là một giải pháp có thể giúp các công ty gọi vốn cộng đồng được. Một đề xuất khác, để tăng được quy mô giống như các công ty về game hay NFT thì rõ ràng câu chuyện hạ tầng rất quan trọng. Để phát triển nhanh, chúng ta không thể tự dựa vào sức mình, dựa vào cơ sở hạ tầng của chính chúng ta được mà bắt buộc phải sử dụng Public Cloud, hạ tầng Cloud lớn đang lớn nhất thế giới.” – Ông Giang cho biết.

Cuối cùng là những đề xuất chính sách đầu tư khởi nghiệp, giải quyết các vấn đề khó khăn trong việc đầu tư hỗ trợ các startups. Việt Nam cần có định nghĩa chính thức về các dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây trong các văn bản luật, dưới luật liên quan đến thông tin truyền thông, khoa học công nghệ, tài chính và thuế, thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo. Cần xác định rõ và hướng dẫn từng loại hình dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây cần áp dụng cách tính thuế như thế nào. “Để các công ty có thể sử dụng được hạ tầng một cách tốt nhất, thì sẽ cần những sự hỗ trợ mạnh mẽ đặc biệt về mặt pháp lý để chúng tôi có thể đồng hành cùng với các công ty công nghệ”. Tiếp theo, cần có những chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hạ tầng đám mây. “Đã có khá nhiều chính sách ưu đãi đám mây của các hãng như Amazon, Microsoft hay hãng trong nước như FPT nhưng chính sách từ nhà nước thì vẫn chưa có. Chúng tôi hy vọng có những nghiên cứu mang tính cộng đồng để chúng ta có những đề xuất, quyết định liên quan đến sự hỗ trợ này.” Đề xuất cuối cùng, không chỉ có chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp sử dụng hạ tầng đám mây mà có thể ưu đãi cho những doanh nghiệp áp dụng chiến lược thuần đám mây. Đây có thể là những bước có thể thúc đẩy mạnh mẽ giúp cho các doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng quy mô có một môi trường tốt hơn.

VINASA

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT