Tổng quan Fintech và sự phát triển hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam
Fintech là lĩnh vực kinh tế mới đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, có khả năng cao sẽ bùng nổ và trở thành xu hướng phát triển chính trong năm 2022. Hội nghị kết nối nhà đầu tư và Startup trong lĩnh vực ICT vừa diễn ra tại TP.HCM đã có phần trình bày tổng quan về thị trường Fintech và chia sẻ  kinh nghiệm khởi nghiệp lĩnh vực Fintech nhằm đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam.

Bức tranh thị trường Fintech tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ tài chính – Fintech đánh dấu nhiều sự phát triển nổi bật. Có thể nói, số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam luôn tăng trưởng theo từng năm. Năm 2015, Việt Nam bắt đầu với 39 công ty. Con số này tăng lên 44 công ty vào năm 2017, 124 công ty vào năm 2019, và lên 131 công ty vào năm 2020 (theo báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2020 của MasOffer Fintech). Thì đến nay, ước tính đã có hơn 150 công ty tham gia hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.

Số lượng các công ty công nghệ tài chính tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường đã tăng gấp gần 4 lần trong 5 năm trở lại, nhưng chủ yếu mới tập trung ở dịch vụ thanh toán, cho vay ngang hàng và blockchain/cryptocurrency. Mặc dù phát triển vượt bậc nhưng so sánh tương quan với các nước trong khu vực như Singapore (hơn 1.150 công ty), Indonesia (hơn 510 công ty), Malaysia (hơn 370 công ty) v.v. thì con số này vẫn còn khá "khiêm tốn".

Về sản phẩm/dịch vụ, thị trường được chia nhỏ ra thành nhiều phân khúc, tiêu biểu như: thanh toán (payment), ngân hàng số (digital banking), cho vay ngang hàng (P2P lending), gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), công nghệ bảo hiểm (Insurtech), đầu tư và quản lý tài sản (retail investment & wealth management), blockchain/ cryptocurrency, đánh giá điểm tín dụng (creditscoring), SMEs Financing, Comparison, POS v.v. Trong đó, dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm tỉ trọng lớn. Tính đến tháng 10/2020, Việt Nam có 39 nhà cung cấp dịch vụ thanh toán được cấp phép, với 5 ví điện tử lớn nhất là: MoMo, Payoo, Moca, ZaloPay và ViettelPay, chiếm tới 31% trên tổng số lượng doanh nghiệp hiện có, vì vậy đây được coi là lĩnh vực chủ đạo.

Trong khi các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán của Việt Nam tiếp tục phát triển. Và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Hoạt động cho vay ngang hàng  (P2P lending) và không gian tiền điện tử/blockchain là hai phân khúc có mức tăng trưởng mạnh nhất. Hai dịch vụ này có số lượng công ty khởi nghiệp tăng từ ít hơn 5 vào năm 2017 lên hơn 15 công ty khởi nghiệp trong năm 2020.

Phát triển hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam

Từng là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech từ rất sớm, NextPay hiện nay đã phát triển thành một hệ sinh thái vững mạnh, cung cấp đa dạng sản phẩm về thanh toán cho rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc. Cùng với phần trình bày về tổng quan thị trường Fintech trong Hội nghị kết nối, Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - Giám Đốc Vùng, NEXTPAY còn dành rất nhiều thời gian chia sẻ, hướng dẫn các Startups Fintech vạch ra một lộ trình phát triển đúng đắn cho doanh nghiệp và vì sao NextPay đã vươn lên trở thành một hệ sinh thái vững mạnh. 

Định nghĩa về Fintech, Bà Hạnh định nghĩa rất đơn giản: “Đó chính là sự kết nối giữa công nghệ và các sản phẩm tài chính truyền thống. Công nghệ phát triển mạnh mẽ thì chắc chắn tài chính số sẽ phát triển.” Trong bước đầu xây dựng doanh nghiệp cũng như phát triển hệ sinh thái, Bà đã không ngừng đặt ra những câu hỏi: Chúng ta làm sản phẩm/dịch vụ cho ai? Ai sẽ là người trả tiền, sử dụng sản phẩm/dịch vụ mình cung cấp? Lí do vì sao họ chọn mình mà không phải đối thủ của chúng ta và cuối cùng là tại sao họ lại tiếp tục trả tiền cho mình? Nếu như doanh nghiệp trả lời được toàn bộ các câu hỏi đó thì gần như các bạn sẽ thành công.

Để tiếp tục vạch ra được lộ trình phát triển của công ty, doanh nghiệp còn phải chú ý đến việc cạnh tranh với đối thủ ngoài thị trường như thế nào để tiếp tục tồn tại và phát triển. Khởi đầu của NextPay là cung cấp sản phẩm thanh toán, để phát triển thành một hệ sinh thái vững mạnh như bây giờ, theo Bà Hạnh chia sẻ, doanh nghiệp đã xây dựng sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng:  “Đối với mình khi làm về thanh toán thì mình có một cái tư duy rất đơn giản, tại sao mình lại có  một hệ sinh thái, tại sao mình hình thành hệ sinh thái, tại vì đơn giản là khách hàng của mình có nhu cầu.”

Khó khăn và cơ hội khi hình thành hệ sinh thái Fintech

Để các Startups hình dung rõ hơn, Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã lấy bài học của doanh nghiệp mình để chia sẻ, sử dụng case study của chính mình để cộng đồng Startups Fintech biết cách vượt qua khó khăn, tự tạo cơ hội cho mình trên con đường khởi nghiệp cũng như phát triển hệ sinh thái tài chính số. Trong quá trình phát triển hệ sinh thái về thanh toán, 3 khó khăn chính mà NextPay gặp phải đó là: (1) Đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên viên tư vấn B2B ngành như thế nào, (2) Làm sao để giữ được khách hàng trung thành, (3) Luôn học hỏi, sáng tạo để đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường. Có khó khăn thì cũng sẽ có cơ hội, chính những khó khăn trên đã tạo cơ hội để hệ sinh thái của NextPay ra đời, giải quyết được cả 3 yếu tố nêu trên.

NextPay bắt đầu đầu tư vào các mảng sản phẩm công nghệ, sản phẩm tài chính và một số sản phẩm để bán lại cho khách hàng của chính mình. Việc bán hàng lại cho chính khách hàng của mình có nghĩa là NextPay đã giúp đội ngũ sale bán hàng nhiều hơn, từ đó có sự học hỏi, phát triển liên tục khả năng bán hàng, giải quyết được việc đào tạo phát triển sale bằng cách tạo cơ hội để các bạn chuyên viên bán được nhiều sản phẩm hơn. Việc chúng ta chỉ bán một sản phẩm cho họ và dừng lại thì việc bị đối thủ cướp đi khách hàng là rất dễ. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục bán tiếp những sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu của họ thì đây vừa là cách tăng doanh thu vừa là một kiểu kết nối để giữ khách hàng. Cuối cùng là học hỏi – sáng tạo, với một chiến lược đầu tư sản phẩm liên tục, phát triển sản phẩm mới liên tục, chắc chắn là cả đội ngũ của cả doanh nghiệp phải học hỏi và sáng tạo hơn nữa, nếu không thì sẽ không thể nào bắt kịp, bị chính khách hàng của mình đào thải.

Sau những chia sẻ kinh nghiệm hết sức có tâm của Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - Giám Đốc Vùng, NEXTPAY trong Hội nghị kết nối nhà đầu tư và Startup trong lĩnh vực ICT diễn ra tại TP.HCM vừa qua, chắc chắn Startups công nghệ trong lĩnh vực Fintech cũng đã được củng cố lại nền móng vững chắc để tiếp tục hành trình khởi nghiệp, tiếp tục tăng trưởng và bứt phá hơn nữa trong tương lai gần.

 

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT