Tiềm năng của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam
15/06/2022 14:34
Bất chấp những ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 đến kinh tế toàn cầu, đây lại là cơ hội cho công nghệ tài chính (Fintech) tăng trưởng mạnh mẽ với hàng loạt dòng vốn lớn rót vào các dự án công nghệ tài chính, tạo đà cho một năm 2022 bùng nổ và phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech. Tuy nhiên, thị trường Fintech thực sự bùng nổ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, việc tương tác xã hội bị hạn chế dẫn đến lượng người dùng dịch vụ tài chính số tăng cao. Năm 2021 được xem là tạo tiền đề cho sự vươn lên mạnh mẽ của lĩnh vực Fintech (công nghệ trong tài chính) toàn cầu. Thị trường Fintech Việt Nam cũng không ngoại lệ. Fintech Việt Nam đang dần bắt kịp tốc độ phát triển của thế giới. Riêng tại Việt Nam, Google cho biết, năm 2021 cũng là năm nhảy vọt của thị trường Fintech Việt Nam khi nền kinh tế Internet đạt giá trị 21 tỷ đô, xếp hạng 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu và đứng ở vị trí 14/50 khu vực châu Á. Chính vì vậy, những năm gần đây, lĩnh vực Fintech Việt đã thể hiện được tiềm năng to lớn khi cùng với Singapore và Indonesia đóng góp vào thị phần chung khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ đứng trước thời kỳ phát triển nhanh và trên đà lớn mạnh, Fintech tại Việt Nam còn đón nhận nhiều dòng đầu tư mạnh mẽ. Theo báo cáo Fintech in ASEAN 2021 của UOB, PwC Singapore và Hiệp hội fintech Singapore, các công ty fintech Việt Nam kêu gọi thành công 375 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2021. Thành tích này xếp thứ 3 tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia.
Thời gian qua, fintech đã tăng trưởng theo cấp số nhân nhờ sự phát triển nhanh chóng của thanh toán điện tử. Trên toàn cầu, việc thanh toán điện tử đã gia tăng cùng với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ dân số đông, người dùng smartphone cao với khả năng nắm bắt xu thế nhanh nên ngân hàng số đã trở nên khá phổ biến với nhiều người dùng. Chính những yếu tố này tạo cơ hội rất lớn cho Fintech trong nước có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các startup Fintech Việt Nam vì trong số các Fintech tại Việt Nam hiện nay có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp.
Việt Nam có tiềm năng phát triển Fintech rất lớn, cụ thể là các doanh nghiệp công nghệ lớn, như: FPT, Viettel, VNPT đang rất quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp về công nghệ tài chính. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo năm 2022, giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam tăng lên mức 10 - 11 tỷ USD và tăng mạnh hơn vào những năm sau.
Để tìm hiểu thêm về thực trạng, xu hướng lĩnh vực Fintech tại Việt Nam và tham khảo các góc nhìn từ các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực này, quý đơn vị/doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia Hội nghị "Kết nối nhà đầu tư và Startup trong lĩnh vực ICT" với chủ đề “Thúc đẩy đầu tư và Phát triển hệ sinh thái tài chính số”.
Đầu mối liên hệ Ban tổ chức: Ms. Mạnh, 0937 688 958, manhnt@vinasa.org.vn