Những sự kiện CNTT nổi bật Việt Nam trong năm 2017
Năm 2017 chứng kiến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển nhanh chóng và bắt đầu tác động mạnh mẽ đến các ngành, các lĩnh vực của đời sống. Làn sóng đổi mới sáng tạo, ứng dụng CNTT tại Việt Nam cũng đang len lỏi rất nhanh vào từng ngõ ngách của cuộc sống... Nhịp Sống Số xin điểm lại những sự kiện CNTT tiêu biểu của Việt Nam trong năm vừa qua - những sự kiện đã góp phần không nhỏ vào việc định hướng và đẩy nhanh bước tiến của Việt Nam trong cuộc cách mạng quan trọng này.

Kỷ niệm 20 năm Internet Vietnam

Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức được kết nối Internet. Đây là một sự kiện lịch sử đã góp phần đem đến sự thay đổi trong phát triển kinh tế, xã hội cũng như văn hóa, tri thức. Sau 20 năm, Việt Nam đã xây dựng được hạ tầng viễn thông Internet hiện đại với công nghệ 4G, Internet băng rộng phủ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo.
Hiện tại Việt Nam đã có gần 50 triệu người dùng Internet, chiếm tỷ lệ 53% trên tổng số dân và nằm trong top những quốc gia và vũng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á. Đây chính là một trong những lợi thế rất lớn sớm đưa Việt Nam bắt kịp con tàu Cách mạng 4.0.

Các nhà mạng đồng loạt triển khai 4G

Cuối năm 2016, các nhà mạng đồng loạt được cấp phép mạng 4G trên băng tần 1.800 MHz. Ngày 18/4/2017, Viettel chính thức khai trương mạng 4G. Trong 6 tháng, Viettel đã xây dựng gần 36.000 trạm thu phát sóng 4G rộng khắp lên đến 95% dân số. Tiếp đó, VNPT tuyên bố cung cấp dịch vụ 4G đầu tiên ở Việt Nam tại huyện đảo Phú Quốc. VNPT cho biết trong năm 2017 xây dựng khoảng 15.000 trạm thu phát sóng 4G, phủ sóng tất cả các khu vực trọng điểm tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Tương tự, MobiFone xây dựng được 4.500 trạm phát sóng 4G và 30.000 trạm phát sóng 4G giai đoạn 2017 - 2018.

Công nghệ 4G được triển khai mạnh mẽ và tiến tới là 5G sẽ đảm bảo hạ tầng thuận lợi cho Cuộc cách mạng 4.0 với những xu hướng công nghệ nổi bật như: smart city, xe tự hành, IoT, Big Data…

Chính thức bãi bỏ điều 292, Bộ luật Hình sự 2015

Tháng 6/2017, 88% đại biểu Quốc Hội đồng thuận thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 mới. Theo đó, Điều 292 liên quan đến việc quy định các tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng đã chính thức được bãi bỏ.

Đây là một trong những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp CNTT đặc biệt quan tâm. Bởi điều luật này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp CNTT, và cộng đồng start-up với xu thế chuyển đổi từ mô hình kinh doanh cung cấp phần mềm và giải pháp truyền thống sang cung cấp dịch vụ trên môi trường Internet.
Sự kiện cho thấy sự quyết tâm rất cao của Quốc hội, Chính phủ và cộng đồng CNTT Việt Nam trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh CNTT thông thoáng, hấp dẫn thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển.

Các Tỉnh, Thành phố đua xây dựng thành phố thông minh (Smart City)

Năm 2017 chứng kiến cuộc đua phát triển Smart City rất sôi động của các Tỉnh, Thành phố trên cả nước. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, có đến gần 30 Tỉnh, Thành đã lập kế hoạch chi tiết, và hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trong nước và quốc tế như: Viettel, VNPT, FPT, Microsoft… Các thành phố tiên phong trong việc xây dựng Smart City phải kể đến như Phú Quốc, Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội và đặt biệt là Tp. Hồ Chí Minh. Tháng 10/2017, Tp. Hồ Chí Minh cùng với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế về Thành phố Thông minh khu vực châu Á – châu Đại dương, đồng thời công bố kế hoạch tổng thế phát triển Smart City giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2025.

Smart City kỳ vọng sẽ đem đến những giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý, giải quyết nhanh những vấn đề của đô thị hiện tại, tạo ra môi trường sống và làm việc chất lượng cao cho người dân.

Bùng nổ phát triển Smart Phone Việt Nam

Không chỉ có BKAV với việc ra mắt BPhone thế hệ thứ 2 hoàn thiện hơn, chỉn chu hơn nhắm vào phân khúc cận cao cấp (trên dưới 10 triệu), một công ty chuyên về sản xuất phần cứng nhưng là tivi – Asano cũng ra mắt 2 mẫu điện thoại đầu tiên nhắm vào phân khúc tầm trung (5 triệu). Hai tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam là Viettel và VNPT cũng không “khoanh tay” trước thị trường thị trường smartphone đang có tốc độ phát triển rất nhanh này, đua nhau cho ra một số dòng smartphone nhắm vào phân khúc giá rẻ và tầm trung.

Sự bùng nổ phát triển smart phone thương hiệu Việt cho thấy nỗ lực rất đáng ghi nhận của các doanh nghiệp Việt Nam trong viêc giành lại thị trường đang phát triển rất nóng nhưng vốn có thị phần lớn thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Việt Nam quản lý chặt mạng xã hội của Google và Facebook

Trong năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã nhiều lần làm việc với Google và Facebook để bàn về việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Sau khi làm việc với Bộ TT&TT, Google đã cam kết sẽ gỡ bỏ toàn bộ kênh Youtube nếu như trên kênh đó đăng clip vi phạm.

Từ trước tới nay, Google và Facebook chỉ gỡ bỏ clip, thông tin vi phạm sau khi nhận được yêu cầu xử lý. Nhưng nay, cơ quan chức năng Việt Nam, Google và Facebook đã tạo được một cơ chế xử lý vi phạm riêng nhanh chóng và hiệu quả hơn. Theo đó, khi phía Việt Nam phát hiện vi phạm, sẽ lọc và gửi trực tiếp. Google và Facebook sẽ gỡ bỏ kênh vi phạm nhanh chóng như cam kết.

Bitcoin và tiền ảo gây sốt tại Việt Nam

Năm 2017, Bitcoin – đồng tiền ảo giá trị nhất đã làm làm mưa làm gió trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Thời điểm đầu năm, giá Bitcoin chỉ chưa đầy 1.000 USD/đồng, sau đó Bitcoin tăng nhanh chóng theo cấp số nhân lên 5.000 USD vào giữa tháng 10, 10.000 vào cuối tháng 11 và lập đỉnh vào giữa tháng 12 với mức giá lên tới hơn 19.700 USD. Ngay sau đó, giá tiền ảo liên tục đi xuống và một số sàn giao dịch quốc tế đã phải đóng cửa tạm thời khi đồng tiền này xuống dưới 11.000 USD.

Các xưởng đào tiền ảo tại Việt Nam cũng phát triển nở rộ. Hải quan ghi nhận một số lượng lớn máy đào tiền ảo (gọi nôm na là “Trâu cày tiền ảo”) đã được nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2017, và chỉ tính riêng 20 ngày đầu năm 2018, tại Tp. HCM đã có gần 8.000 “con trâu” cày tiền ảo được nhập về Việt Nam với giá trị lên tới hơn 12 triệu USD.   
Bất chấp rủi ro, bất chấp cả khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc không chấp nhận Bitcoin trong các giao dịch thương mại, nhưng các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam và thậm chí một số doanh nghiệp vẫn quyết tâm đầu tư theo cơn sốt.

Chính phủ ban hành chỉ thị về Cách mạng 4.0

Ngày 4/5, Thủ tướng ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV. Chỉ thị là sự tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Vietnam ICT Summit – Diễn đàn cấp cao thường niên lớn nhất về hoạch định chính sách CNTT tại Việt Nam.

Chỉ thị nêu rõ 6 nhiệm vụ cho các ngành, các cấp có liên quan thực hiện bao gồm: Phát triển bứt phá về hạ tầng; Cải thiện môi trường kinh doanh; Xây dựng chiến lược chuyển đổi số và nền quản trị thông minh; Xây dựng và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; và Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các ngành, các cấp và toàn xã hội về cuộc CMCN lần thứ IV.

Thanh toán điện tử phát triển nở rộ

Sau nhiều năm đầu tư, xây dựng và phát triển, đã có hơn 20 nền tảng, ví điện tử đã được cấp phép: Ví Việt, MoMo, Moca, Onepay, Ngân lượng… Năm 2017, thanh toán điện tử Việt Nam được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa với sự xuất hiện của 2 tên tuổi lớn từ nước ngoài là Samsung Pay và Ali Pay của Alibaba. Tháng 9/2017, Samsung Pay tạo làn sóng khi ra mắt dịch vụ thanh toán trực tiếp trên smart phone thông qua việc liên kết với các ngân hàng TMCP lớn của Việt Nam. Ngay sau đó, tháng 11/2017, Alipay còn gây chú ý hơn với việc Chủ tịch Alibaba, Jack Ma tới Việt Nam tham gia và phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017, đồng thời ký hợp tác triển khai các dịch vụ của Alipay với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) - đơn vị trung gian thanh toán duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử cho giao dịch bán lẻ tại Việt Nam.

Những sự kiện này cũng tác động đến tương lai của thương mại điện tử Việt Nam, trực tiếp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT