VNPT triển khai thành phố thông minh cho TP.HCM theo xu hướng cách mạng 4.0
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, người dân sẽ được trải nghiệm hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao với vé điện tử liên thông, giải pháp đỗ xe thông minh, hay xem bệnh án điện tử ngay trên chiếc smartphone của mình.

Ngày 26/11/2017, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị công bố Đề án “Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.”  Đề án này tập trung vào bốn mục tiêu tổng quát là đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân. Với mục tiêu đó, tầm nhìn của Đề án đến năm 2025 là “TP HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm đô thị”. 

Các mục tiêu của Đề án sẽ được thực hiện với bốn chủ thể chính của đô thị: Chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Cụ thể, thành phố thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các lĩnh vực; người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ để ra quyết định tối ưu; doanh nghiệp sẽ có môi trường minh bạch, đơn giản, thuận tiện hoạt động và được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định kinh doanh chính xác; đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kết nối phản hồi thông tin để họ tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị. 

Dẫn chứng một số lợi ích cho người dân khi xây dựng đô thị thông minh, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, người dân sẽ được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe; dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm lộ trình di chuyển phù hợp, giảm ùn tắc; bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế… 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Quốc hội vừa có Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thì việc công bố Đề án đã thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Thành phố nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đô thị thông minh chính là cách giải quyết vấn đề đô thị và việc TP HCM trở thành đô thị thông minh sẽ giúp giải quyết các vấn đề bức thiết trong phát triển. Ngoài ra, thông qua đô thị thông minh, bản thân người dân, tổ chức sẽ phát huy tối đa năng lực của mình, là chủ thể sáng tạo, đồng thời người dân sẽ giám sát thực hiện, xã hội phát triển có kiểm soát. 

Đặt vấn đề bao giờ hết kẹt xe và ngập nước, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chúng ta chưa có câu trả lời do chưa dự báo được. Nếu chúng ta có số liệu, dữ liệu và các phần mềm hiện đại để thu thập, phân tích dữ liệu thì sẽ dự báo được. Do vậy, mục tiêu quan trọng nhất của Đề án là phát triển kinh tế bền vững, trong đó phải dự báo, thấy trước khó khăn, giải pháp phòng ngừa và liên kết tốt; phải làm sao kết hợp các nguồn lực để đạt hiệu quả cao hơn trong khi từng nguồn lực không thay đổi, cùng với đó tạo môi trường sống của người dân phải tốt trong các vấn đề như hạ tầng, chất lượng không khí, thúc đẩy dịch vụ y tế… 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nếu Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM được xem như động lực trực tiếp, thì việc xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh được xem như một đòn bẩy để thành phố tăng trưởng vượt bậc so với phương pháp tăng trưởng truyền thống, chủ yếu dựa vào vốn và lao động. Đây còn được kỳ vọng như một làn gió mới để thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ngoài những tiện ích do đô thị thông minh mang lại, có một ưu điểm rất lớn của đô thị thông minh là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và phát triển bao trùm. 

Phát biểu tại sự kiện này, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, theo nội dung đã ký kết, VNPT là đơn vị tư vấn xây dựng khung kiến trúc tổng thể đô thị thông minh cho TP HCM bao gồm kiến trúc khung công nghệ; tư vấn xây dựng lộ trình triển khai, thực hiện triển khai tích hợp các dịch vụ, hệ thống thông minh, từng bước xây dựng hệ sinh thái ứng dụng đô thị thông minh tại TP HCM. Bên cạnh đó, VNPT cũng đề xuất những giải pháp giúp TP HCM giải quyết các vấn đề liên quan đến những lĩnh vực ưu tiên như: giao thông, y tế và dịch vụ cho con người, an ninh công cộng, nước và nước thải, xây dựng, môi trường, năng lượng, phát triển giáo dục....

Theo đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, khung giải pháp đô thị thông minh cho TP HCM do Tập đoàn VNPT đề xuất được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc mở. Tất cả các đơn vị công nghệ trong và ngoài nước đều có thể tham gia triển khai. VNPT cũng sẽ giúp TP HCM tìm kiếm các đối tác lớn trong và ngoài nước và sử dụng các công nghệ hiện đại nhất… để triển khai các mục tiêu của đề án này.

“Với mong muốn xây dựng đô thị thông minh với người dân làm trung tâm. Kế hoạch triển khai Đề án hàng năm cho năm 2018 cũng như các năm tiếp theo bám sát nhất theo nhu cầu của người dân, nhằm giúp TP.HCM nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng môi trường sống, đầu tư, kinh doanh… hướng đến mục tiêu xây dựng TP HCM trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nhanh chóng hội nhập với xu hướng phát triển của thế giới về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sớm sánh vai các thành phố lớn khác trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa” ông Trần Mạnh Hùng nói.

Theo ICTnews

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT