Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội
Hôm nay (18/9), hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội (ASOCIO Smart City Summit 2018-Hanoi) đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số”.

Sự kiện do UBND TP.Hà Nội, Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á-Châu Đại dương (ASOCIO) và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, với sự tham dự của hơn 700 đại biểu là lãnh đạo cấp cao các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội; các tỉnh, thành phố có kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh; các hội, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp chuyên ngành CNTT cùng gần 70 đại biểu quốc tế từ 20 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới...

Đặc biệt, phiên khai mạc hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung; Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng; Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Phan Thị Mỹ Linh; Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên; Chủ tịch Tổ chức CNTT lớn nhất toàn cầu WITSA, bà Yvonne Chiu; và Chủ tịch tổ chức CNTT lớn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ASOCIO, ông David Wong.

VINASA, Thành phố thông minh, smart city, ASOCIO 2018, ASOCIO Smart City Summit 2018-Hanoi,
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030”, trong đó có đặt mục tiêu đến năm 2020 tại Việt Nam, ít nhất 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh.

Cho biết Hà Nội cũng lựa chọn mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, ông Chung nhận định rằng, việc thực hiện mục tiêu này trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý cùng các chuyên gia công nghệ cùng nhau lựa chọn phương thức và các bước đi thích hợp để xây dựng đô thị hay thành phố có thể cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

“Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường...  Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Chung nhấn mạnh.

Thủ đô Hà Nội hiện được coi là một siêu đô thị về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Nhu cầu xây dựng một Thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân đang ngày một trở nên cấp thiết.

Cũng trong phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ rõ: “Nhiều câu hỏi được đặt ra với Hà Nội nói riêng và các thành phố, đô thị nói chung, đó là: mô hình nào, phương thức nào để phát triển đô thị thông minh, tính “bền vững” của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Cần hoạch định xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một thành phố thông minh? Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp... sẽ được thực hiện như thế nào?”.

Theo ông Chung, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch với mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh, triển khai các thành phần cơ bản được ưu tiên xây dựng là Trung tâm điều hành thông minh, Hệ thống giao thông thông minh và Hệ thống du lịch thông minh.

Với chủ đề Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số, Hội nghị đã được nghe nhiều phát biểu quan trọng về đề án phát triển đô thị thông minh của Việt Nam do Bộ Xây dựng trình bày, các chuẩn kết nối cho thành phố thông minh, bảo mật an toàn thông tin khi các thành phố trở nên kết nối hơn, phân tích dữ liệu và lập kế hoạch dựa trên các dữ liệu và đặc biệt là kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của Thụy điển, mô hình “xã hội 5.0” của Nhật Bản, 10 bài học kinh nghiệm trong xây dựng thành phố thông minh của Malaysia và các xu hướng công nghệ mới cho thành phố thông minh của  Google.

Ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc VNG

Trả lời câu hỏi về băn khoăn liệu thành phố thông minh  (SmartCity) có làm khó cho người dân khi đòi hỏi phải có "Smart Citizen" tức là công dân giỏi công nghệ hay không, , ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc VNG phụ trách Dịch vụ đám mây kiêm Giám đốc điều hành VinaData chia sẻ: "Tiêu chí đầu tiên của Smart City là phục vụ toàn bộ công dân tại thành phố. Bởi vậy Smart City sẽ cung cấp những dịch vụ hoàn toàn gần gũi, dễ sử dụng để toàn bộ cư dân có thể tiếp cận theo những phương pháp đơn giản, hiệu quả, minh bạch và giúp tối ưu nhất nguồn lực của các thành phố và địa phương."

Những cấu phần thành phố thông minh và phương thức xây dựng được đề cập rất cụ thể. Các Diễn giả đều nhấn mạnh: việc xây dựng các thành phố thông minh cần chú trọng đến mục tiêu phát triển vững về con người và môi trường. Thụy Điển chú trọng tới sản phẩm bền vững, thân thiện như năng lượng sạch, xử lý rác thải thông minh, xe điện. Nhật Bản lại hướng tới xây dựng xã hội 5.0 phục vụ tối đa mục tiêu phát triển con người trên nền tảng công nghệ mới.

Tiếp nối mạch sự kiện, phiên tọa đàm sáng có chủ đề Thành phố thông minh - Góc nhìn của các lãnh đạo, do ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA điều phối, với sự tham gia của các khách mời quan trọng: Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Ông Pereric Hogber, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam; Ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam; Ông Ekramul Hoque, Thị trưởng thành phố Mymensingh (Bangladesh); Ông Ram Bahadur Thapa, Giám đốc Ban Phát triển hạ tầng Đô thị, thành phố Kathmandu (Nepal); Ông Richard Ker, Trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa, Cyberview, Cyberiaya, Malaysia. Các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về các khía cạnh thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển hạ tầng làm nền tảng cho xây dựng Thành phố thông minh.

Theo NSS

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT